việc trong tuyết, trong bùn. Dưới bom. Và chẳng ai bảo chúng tôi là các cô
gái xinh đẹp. Nhưng người ta xót các cô gái đẹp trong chiến tranh, người ta
than cho các cô ấy nhiều hơn, cái ấy thì đúng. Chôn cất các cô thật đau
đớn... Thật đau đớn phải gửi một cái giấy báo tử về cho mẹ các cô... Ôi, mẹ
kiếp!
Tôi thường nằm mơ về các đồng đội của tôi. Tôi mơ về chiến tranh. Và
thời gian càng trôi qua, thì chuyện ấy càng thường xảy ra hơn. Trong một
giấc mơ, chỉ một giây đã đủ để diễn ra những sự việc, trong cuộc đời,
thường phải mất nhiều năm. Nhưng đôi khi, tôi không còn biết đâu là mơ
đâu là thật... Tôi nghĩ là ở Zimovniki, nơi tôi cần ngủ trưa hai tiếng: tôi vừa
đến nơi thì bắt đầu một trận bom. Ôi! Đ.m. nó chứ!... Tôi tự nhủ: thà chết
còn hơn là mất cái thú một giấc ngủ ngon. Tôi đi ngủ và nghĩ: miễn là trong
mơ ta thấy được mẹ. Dù rằng, đúng ra, trong chiến tranh tôi không bao giờ
nằm mơ. Đâu đó bên cạnh vang lên một tiếng nổ lớn. Cả ngôi nhà rung lên.
Nhưng tôi vẫn cứ ngủ...
Tôi không biết sợ, xúc cảm đó đối với tôi là xa lạ. Hãy tin tôi, tôi nói với
cô một cách trung thực. Khi máy bay nện đặc biệt dữ dội, chiếc răng mục
của tôi nhắc tôi bằng cách đau nhói lên, nhưng đúng chỉ thế đấy thôi. Và
nữa, chẳng mấy khi kéo dài. Hôm nay tôi sẽ tự coi mình là người dũng cảm
một cách khủng khiếp nếu, vài năm sau khi kết thúc chiến tranh, tôi không
buộc phải đi khám bác sĩ và những cơn đau ghê gớm, thường xuyên và
hoàn toàn không thể giải thích, ở nhiều điểm khác nhau trong cơ thể. Một
nhà thần kinh học lão luyện đã hỏi tuổi tôi và không giấu ngạc nhiên của
ông:
“Hai mươi bốn tuổi mà đã suy sụp toàn bộ hệ thần kinh thực vật của
mình! Vậy bây giờ cô tính sống làm sao?
Tôi trả lời rằng tôi tính sống tốt. Tôi vẫn sống, đúng không? Vâng, tôi
còn sống, nhưng các khớp của tôi sưng lên, cánh tay phải tôi không dùng
được vào việc gì nữa và khiến tôi đau khủng khiếp, thị lực tôi càng kém,
một quả thận của tôi bị sa, gan tôi dịch chuyển và họ đã nhanh chóng tìm ra