số đến Gorki, ở đấy chúng tôi được bổ về các đơn vị khác nhau. Tôi được
đưa về trung đoàn số 784 pháo phòng không cỡ trung.
Chẳng bao lâu tôi được bổ nhiệm trắc thủ số một. Nhưng tôi không bằng
lòng chừng đó. Tôi muốn làm người nạp đạn. Đương nhiên, đấy được coi là
một công việc dành riêng cho nam giới: phải nâng được một quả đạn mười
sáu kilô và đủ sức chịu đựng một nhịp độ bắn căng thẳng, cứ năm giây một
phát. Nghề thợ quai búa của tôi chẳng phải là vô ích. Một năm sau, tôi được
đề bạt thượng sĩ và cử làm chỉ huy một khẩu đội do hai cô gái và bốn anh
đàn ông phục vụ. Do bắn liên tục, đôi khi nòng súng đỏ lên và khi đó bắn
rất nguy hiểm. Bất chấp mọi quy tắc, chúng tôi phải làm nguội bằng chăn
tẩm nước. Súng không chịu đựng nổi, nhưng người, thì được. Tôi là một cô
gái to khỏe, rất dai sức. Tuy nhiên, tôi biết trong chiến tranh tôi có thể có
nhiều khả năng hơn trong đời sống dân sự. Ngay cả về thể chất. Tôi không
biết vì sao tôi có nhiều sức lực hơn.
Khi tôi nghe trên đài tin Chiến thắng, tôi ra lệnh báo động cho các binh
sĩ khẩu đội tôi, và hét lệnh cuối cùng của tôi:
“Góc phương vị, mười lăm không không. Cao, mười không. Ngòi nổ một
trăm hai mươi, nhịp mười!”
Tới lượt tôi, tôi đến gần súng và bắn một loạt bốn quả, mừng Chiến
thắng sau bốn năm chiến tranh.
Nghe tiếng súng, tất cả những người có mặt ở vị trí pháo đội đều chạy
đến. Trong đó có ông chỉ huy tiểu đoàn Slatvinski. Trước mặt mọi người,
ông ra lệnh bắt tôi vì không chịu tuân lệnh, rồi ông đã bỏ hình phạt. Và tất
cả chúng tôi đã cùng nhau mừng Chiến thắng bằng vũ khí cá nhân của
mình, lao vào vòng tay nhau, tất cả chúng tôi ôm hôn nhau. Và sau đó,
chúng tôi khóc suốt đêm và suốt ngày...”
Klavdia Vassilievna Konovalova,
thượng sĩ, khẩu đội trưởng phòng không