Con gái tôi... Nó bắt đầu biết đi năm năm tuổi, nó nói từ đầu tiên, “mẹ”, lúc
lên bảy. Và đến hôm nay, không phải lúc nào nó cũng nói “mẹ”, mà “mọ”,
và thay vì “bố”, là “bó”. Nó... Đến hôm nay nữa, tôi có cảm giác tất cả
những cái đó là không thật... Như là một nhầm lẫn... Nó được đưa vào một
trại tâm thần... Từ bốn năm nay. Tôi đi thăm nó mỗi ngày, đến chừng nào
tôi không ốm và tôi còn đi được tới trạm xe buýt. Tội lỗi của tôi... Con gái
tôi...
Mỗi năm, ngày một tháng Chín, tôi mua cho nó một cuốn sách học vần
mới. “Mua cho con một cuốn ho-o-ọc v-ầ-ầ-n. Con sẽ đến tr-ư-ơ-ờ-ng.” Tôi
mua sách. Chúng tôi đọc sách học vần cả ngày. Đôi khi, đi thăm con trở về
nhà, tôi có cảm giác đã quên mất biết đọc, biết viết, biết nói. Và không còn
cần biết nữa.
Tôi đã bị trừng phạt... Vì cái gì? Có thể, vì đã giết chóc? Đôi lúc, đấy là
điều tôi nghĩ... Tuổi già, đấy là một thời trong cuộc đời mà người ta có
nhiều thời gian, nhiều hơn trước đó. Tôi suy nghĩ và suy nghĩ. Tôi mang tội
của tôi. Mỗi buổi sáng, tôi quỳ xuống, tôi nhìn ra cửa sổ. Và tôi cầu Chúa...
Tôi cầu cho mọi người. Tôi không giận chồng tôi, tôi đã tha thứ cho anh.
Khi con gái tôi sinh ra... Anh đã chờ nhìn thấy nó... Anh đã ở lại với chúng
tôi một thời gian, rồi anh đã bỏ chúng tôi. Anh đã đổ lên đầu tôi bao nhiêu
chê trách khi rời bỏ chúng tôi: “Có một người đàn bà bình thường nào lại đi
ra trận? Học bắn? Chính vì điều đó mà cô không thể sinh một đứa con bình
thường.” Tôi cầu nguyện cho anh...
Và nếu anh có lý?
Tôi yêu Tổ quốc hơn mọi thứ trên đời. Tôi đã yêu nó... Và tôi có thể kể
lại điều đó cho ai hôm nay? Cho con gái tôi... Tôi kể cho nó những ký ức
chiến tranh của tôi, và nó nghĩ đấy là những truyện cổ tích. Những truyện
cổ tích cho trẻ con. Những truyện cổ tích kinh dị cho trẻ con...
Đừng ghi tên tôi. Không cần đâu.”
Klavdia S-va,
xạ thủ bắn tỉa