buông bàn tay bà ra, mọi thứ ập trở lại với tôi ngay. Để làm cho tôi thư giãn
một chút, họ mang hoa đến. Mẹ hái cho tôi những bông hoa chuông, thứ
hoa tôi thích... Mẹ vẫn giữ trong đồ đạc của bà chiếc áo dài tôi mặc khi tôi
bị bọn Gestapo bắt. Vài ngày trước khi mất, mẹ vẫn còn chiếc áo ấy dưới
gối của bà. Bà đã giữ nó cho đến khi bà chết...
Tôi trở dậy lần đầu tiên khi thấy những người lính của chúng ta. Tôi, đứa
đã nằm liệt hơn một năm, đột ngột tôi dồn hết sức mạnh và tôi chạy ra
đường: “Các anh thân yêu! Các anh đáng ngưỡng mộ! Các anh đã trở về.”
Những người lính đưa tôi lại nhà, trong vòng tay của họ. Trong cơn hưng
phấn, hôm sau, rồi hôm sau nữa tôi chạy đến phòng tuyển quân: “Bố trí
công việc cho tôi đi!” Họ báo cho bố tôi, ông đến tìm tôi: “Con ơi, làm sao
con đến được đây? Ai giúp con?” Cái đà phấn chấn ấy chỉ kéo dài vài ngày.
Đau đớn trở lại. Một nỗi đau dai dẳng. Tôi la hét suốt ngày. Những người
đi qua gần nhà tôi cầu khấn: “Xin Chúa nhận lấy linh hồn cô ấy trên vương
quốc của người, hay xin giúp cô đừng phải đau đớn nữa.”
Tắm bùn ở Tskhaltoubo đã cứu tôi. Cùng niềm ham sống của tôi. Sống,
sống - và không gì khác nữa. Tôi còn một cuộc đời. Tôi đã sống như mọi
người... Mười bốn năm, tôi làm việc ở một thư viện. Đấy là những năm
hạnh phúc. Những năm đẹp nhất. Nhưng hiện nay, cuộc sống của tôi đã
thành một cuộc chiến đấu không ngừng chống lại bệnh tật. Muốn nói gì thì
nói, tuổi già là một thứ bẩn thỉu. Chưa kể bệnh tật. Chưa kể cô đơn. Những
đêm dài không ngủ ấy... Nhiều năm đã qua, nhưng tôi vẫn luôn bị ám ảnh
bởi cơn ác mộng kinh hãi nhất của tôi, tôi thức dậy đầm đìa mồ hôi và lạnh
toát. Tôi không nhớ họ của Ania... Tôi không nhớ đấy là ở vùng Briansk
hay vùng Smolensk. Tôi nhớ cô ấy không chịu chết! Cô vòng hai bàn tay
trắng và mũm mĩm của cô sau gáy và hét qua cửa sổ giữa các song sắt: “Tôi
muốn sống!” Tôi không biết kể chuyện ấy cho ai... Làm sao tìm được
những người thân của cô ấy...
Cô khóc... Tôi không tìm được ai trong gia đình cô ấy. Tôi nói về cô ấy
với tất cả những ai khóc...”