đẻ ra những thằng con trai như thế. Làm sao chúng tôi có thể nhìn vào mắt
chúng?
Tất cả những gì tôi đã sống qua trở lại trong ký ức tôi và tôi tự hỏi tôi sẽ
ứng xử ra sao đây. Và những người lính của chúng ta sẽ xử sự ra sao. Bởi
chúng tôi nhớ lại tất cả... Nhưng rồi chúng tôi đi vào một làng, những đứa
trẻ con chạy trên đường, đói và khốn khổ. Và tôi, đứa đã thề căm thù tất cả
bọn chúng, tôi đã gom góp ở các anh em lính của ta ai còn chút gì trong
suất ăn hằng ngày của mình, một chút đường, và tôi đem tất cả cho bọn trẻ
con Đức đó. Tất nhiên tôi không quên gì cả, mọi thứ vẫn còn nguyên trong
tâm trí tôi, nhưng tôi không thể bình thản nhìn những đôi mắt trẻ con đói
ấy.
Hôm sau, từ bình minh, bọn trẻ đã sắp hàng trước bếp của chúng tôi nơi
người ta phân phối súp và suất ăn chính. Mỗi đứa trẻ mang theo một cái túi
đeo để đựng bánh mì, một cái bi-đông móc ở lưng quần để đựng súp, và
một cái đồ đựng gì đó để nhận món ăn; cháo tấm hay đậu. Chúng tôi không
căm thù nhân dân. Tôi nói với cô điều đó; chúng tôi cho trẻ con cái ăn,
chúng tôi chăm sóc chúng. Và cả những vuốt ve âu yếm...”
Sofia Adamovna Kountsevitch,
cáng thương
“Tôi đã đi đến tận Đức...
Tôi là feldscher trưởng của một trung đoàn thiết giáp. Chúng tôi có
những chiếc T-34, rất dễ bị cháy. Thật khủng khiếp. Trước khi đến mặt trận,
tôi chưa bao giờ nghe một tiếng súng. Trên đường đi ra mặt trận, một lần,
có một trận bom, đâu đó ngoài xa, rất xa, và tôi có cảm giác cả trái đất rung
lên. Tôi mười bảy tuổi, tôi vừa học xong ở một trung tâm đào tạo nhân sự
cho ngành y tế
. Số phận đã định là vừa đến nơi tôi đã vào trận ngay...
Tôi thoát ra khỏi xe tăng... Một đám cháy... Trời cháy... Đất cháy... Thép
cháy... Chỗ này, những người chết, chỗ kia những người kêu: “Cấp cứu!