“Chúng tôi đến Stalingrad. Ở đấy chúng tôi đánh những trận sinh tử. Đấy
là nơi khốc liệt nhất... Và vậy là chúng tôi phải qua sông, từ bờ bên này
sang bờ bên kia. Chẳng ai chịu nghe chúng tôi: “Sao? Các cô yểu điệu? Các
cô đến đây làm cái quỷ quái gì? Chúng tôi, chúng tôi cần những người lính
xung kích, lính bắn súng máy, đâu cần chiến sĩ liên lạc.” Mà chúng tôi
đông: tám mươi người. Tới tối sẩm, người ta đưa những cô cao lớn nhất
qua sông, nhưng chúng tôi thì người ta từ chối, tôi và một cô khác, vì chúng
tôi thấp bé. Chúng tôi đã không lớn lên được mấy. Người ta muốn để tôi
làm dự bị, nhưng tôi la hét dữ quá...
Trận đánh đầu tiên của tôi, các sĩ quan chỉ lo kéo tôi ra xa bờ đất, còn tôi,
ngược lại, tôi nhô đầu lên để nhìn cho đã. Tôi bị thúc giục vì tò mò, một
thứ tò mò trẻ con... Người chỉ huy hét: “Binh sĩ Semionova! Binh sĩ
Semionova! Cô điên à! Chết tiệt... Cô chết mất thôi!” Tôi không thể hiểu
chuyện đó: làm sao tôi có thể bị giết, trong khi tôi mới vừa ra trận, tôi còn
chưa chiến đấu cơ mà...
Tôi khám phá cái chết... Tôi còn chưa biết nó đơn giản và chẳng có chút
đắn đo nào...”
Nina Alexeïevna Semionova,
binh nhì, liên lạc
“Tôi đã đi suốt toàn bộ cuộc chiến tranh, từ đầu đến cuối...
Tôi kéo người thương binh đầu tiên của tôi, tôi cảm thấy hai chân tôi
rụng rời. Tôi kéo anh và tôi thì thầm: “Miễn là anh đừng chết... Miễn là anh
đừng chết...” Tôi băng bó cho anh, tôi khóc, tôi nói với anh những lời êm
dịu. Người chỉ huy đi ngang qua. Và thế là ông ấy mắng tôi, ông thốt ra
những tiếng chửi...
- Sao ông ấy lại chửi bà?