Hội đồng cựu chiến binh sao? Họ có mọi thông tin về tôi, họ đã xác minh
tất cả." Mỗi lần cuộc sống lại thách thức tính chính đáng của các ý tưởng
lãng mạn của tôi. Nó chẳng chiếu cố chúng. Tôi vẫn nghĩ những đau khổ đã
phải trải qua khiến con nguời tự do hơn. Độc lập hơn. Bây giờ tôi khám phá
ra là không, không phải bao giờ cũng vậy. Đôi khi những đau khổ ấy cứ
còn riêng đó, như một phần dự trữ không thể động đến. Trong khi nó có thể
giúp những người khác. Thuộc những thế hệ khác. Như tôi, chẳng hạn.
Những gì tôi biết về chiến tranh cũng khiến tôi suy nghĩ về cuộc sống
của chúng ta hôm nay. Chúng đưa tôi đi tìm xem tất cả cái hiểu biết đó tan
biến vào đâu. Tìm xem kỳ thực chúng ta là ai. Chúng ta được làm bằng gì,
bằng chất liệu nào. Và cái chất liệu ấy có thật là bền vững không.
Một nguời phụ nữ nhỏ béo tròn mở cửa cho tôi. Bà đưa bàn tay chào tôi,
như cách của một người đàn ông, trong khi một cậu bé, cháu bà, vẫn bíu
chặt cánh tay bà. Trông thái độ thản nhiên của cậu bé, vẻ tò mò chán
chuờng của cậu, tôi biết nhà này thường nhiều khách. Họ đã quen.
Căn phòng lớn gần như chẳng có đồ đạc gì. Trên một cái kệ: sách, phần
lớn là hồi ký chiến tranh, cùng các bức ảnh chụp hồi chiến tranh đuợc
phóng to; một chiếc mũ lính xe tăng móc trên bộ sừng nai; một dãy xe tăng
tấn công cỡ nhỏ sắp thành hàng trên một cái bàn chân trụ đánh xi, có những
tấm bảng đề tặng: "Của các binh sĩ đơn vị số x", "Của học sinh trường
chiến sĩ xe tăng". Ba con búp bê đứng trên tràng kỉ cạnh tôi, cả ba mặc
quân phục. Ngay đến các rèm và giấy dán tường cũng đều màu kaki.
- Các bà láng giềng ngạc nhiên: "Sao bà lại có cả một bảo tàng quản sự
thế này?" Nhưng tôi không thể làm khác. Tôi vẫn luôn sống ngoài ấy...
Ngoài mặt trận...
Tôi mở máy ghi âm.
Nina Yakovlevna Vichnevskaïa, thượng sĩ nhất,
cáng thương ở một tiểu đoàn xe tăng: