nhiều tác giả
Chiến tranh nhìn từ nhiều phía
Nguyễn Khánh Long dịch
Sự thật tương đối của lịch sử - Đọc “Trăng huyết” của Anthony
Grey và Nguyễn Ước
Hoàng Khởi Phong
1.
Ðối với các học giả và các nhà nghiên cứu lịch sử và chiến tranh Việt Nam,
trong các thư viện người ta có thể tìm thấy hàng ngàn tác phẩm được nhìn
bởi nhiều góc độ, của những tác giả Pháp, Mỹ, Anh, Trung Hoa, Nhật Bản,
và tất nhiên không thể thiếu của những tác giả Việt Nam đóng góp cách
nhìn của mình vào ngay những dòng máu của người đồng chủng, mà có thể
chính những tác giả người Việt cũng như những tác giả ngoại quốc ấy đều
đã can dự không ít vào việc khơi cho những dòng máu này chẩy mạnh hơn,
lớn hơn hoặc làm cho chúng bớt gia tăng cường độ.
Về phía các tác giả người Việt, tôi muốn nói tới các hồi ký chính trị của
những người từng ngự trị trên đỉnh quyền lực của hai miền Nam và Bắc,
những lãnh tụ của phía cộng sản, hay những chính trị gia của miền Nam...
Tất nhiên những hồi ký chính trị của các tác giả Việt Nam được viết bởi hai
động lực tâm lý chính, nhất là sau năm 1975 khi miền Nam sụp đổ, đã
khiến cho các tác giả xuất thân từ phía miền Bắc như Võ Nguyên Giáp,
Trường Chinh, Trần Văn Trà... cùng hàng trăm tác giả khác tha hồ thêu dệt,
tô điểm cho chiến thắng của miền Bắc bằng những chiến công được dựng
lên bởi những con người đúc bằng sắt bằng thép với trí tuệ cao vời tưởng
chừng như những con người này chỉ có thể hiện diện trong các truyện thần
thoại. Ðó là chưa nói tới các tác phẩm của Hồ Chí Minh, được viết từ trước
khi chiến tranh chấm dứt, vì ông từ trần vào năm 1969. Chỉ có điều cần
nhắc lại là chính ông đã dùng một cái tên khác, để viết sách tự ca tụng
mình. Trong khi đó các hồi ký của những tác giả xuất thân từ phía miền
Nam thì dường như được viết ra chỉ nhằm để phân bua với mọi người rằng
mình không có lỗi, rằng mình không mang chút trách nhiệm nào trong việc