cấu của tiểu thuyết hiển lộ như những con người thật bằng xương thịt trước
mắt người đọc. Tùy thuộc vào những biến cố lịch sử mà các nhân vật tham
dự và cấu thành, mỗi nhân vật có một cá tính riêng, một nhân cách riêng.
Ðiển hình cho những nhân vật này ta có thể kể tới các nhân vật do nhu cầu
của tiểu thuyết như các thành viên của bốn gia tộc gồm dòng họ Sherman
của nước Mỹ, dòng họ Devraux của nước Pháp và gia tộc Ngô Văn Lộc,
gia tộc Trần Văn Hiếu của nước Việt. Tính chất di truyền nơi tính tự cao
của dòng họ Sherman, Devraux hay nơi lòng thù hận của của các gia tộc họ
Ngô và họ Trần có thể được coi là một trong những cái trục chính của toàn
bộ cuốn tiểu thuyết Saigon. Bên cạnh những nhân vật của tiểu thuyết là
những nhân vật thật của lịch sử như Hồ Chí Minh, một kịch sĩ đại tài, nhất
cử nhất động của Hồ đều được tính toán chính xác, đến độ không một khán
giả nào có thể biết được con người thật của Hồ Chí Minh. Người đọc cũng
nhận thấy sự tráo trở lật lọng nơi những những lãnh tụ cộng sản như Lê
Ðức Thọ, cung cách ứng xử trịch thượng của Kissinger, thái độ thụ động
của các tướng lãnh Dương Văn Minh và Nguyễn Văn Thiệu.
Là một nhà văn tự học qua trường đời và qua các tác phẩm của những nhà
văn đi trước, tôi không học Anthony Grey cách hành văn. Nhưng tôi học
được trong tác phẩm Saigon rất nhiều điều về cách sử dụng những chi tiết
lịch sử cho một cuốn tiểu thuyết lớn, bao trùm một không gian rộng gồm
những biến động xẩy ra tại nhiều quốc gia và trải một thời gian dài suốt
hơn nửa thế kỷ.
Sau cùng tôi muốn nói tới những đóng góp của Nguyễn Ước trong Trăng
huyết. Kể từ khi văn học Việt Nam chuyển từ văn chương Hán Nôm sang
văn chương quốc ngữ đã được hơn một thế kỷ. Trong thời kỳ văn học mới
ấy, văn chương Việt Nam, bằng những bản dịch, đã tiếp nhận rất nhiều tác
phẩm của các nền văn học khác. Một trong những người tiên phong trong
việc phỏng dịch các tác phẩm ngoại quốc có thể kể đến Hồ Biểu Chánh.
Một số truyện của tác giả này là những phó bản của các tác phẩm viết bởi
các nhà văn Pháp của thế kỷ 19. Ðiều đáng nói là Hồ Biểu Chánh không hề
ghi chú rằng ông đã mượn cốt truyện của các tác giả ngoại quốc để chuyển
đổi câu chuyện cho phù hợp với đời sống của người Việt ở trên đất Việt.