hiệu khởi đầu. Nguyễn Duy đạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm
1973, cũng năm ấy anh có tập Cát trắng xuất bản, đó mới là khởi đầu. Chỉ
kể ra ba trường hợp, (có thể kể nhiều nữa), để thấy Hữu Thỉnh, Thanh
Thảo, Nguyễn Duy thành ra họ như hiện nay trong nền thơ Việt Nam nửa
sau thế kỷ XX là ở thời hậu chống Mỹ, họ là thế hệ thơ chống Mỹ, sự
nghiệp thơ của họ là ở thời hậu chiến, và thơ hậu chiến của họ không phải
là thơ chống Mỹ, không phải như khi họ viết trong thời đang chiến.
Chiến tranh kết thúc, thơ chống Mỹ kết thúc. Sau chiến tranh thơ (và văn
học) viết về chiến tranh phải khác. Thơ đó đã hoàn thành sứ mạng của nó.
Sứ mạng tuyên truyền và cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng. Yêu cầu
giáo dục đặt trên yêu cầu nhận thức. Hoàn cảnh chiến tranh bắt thơ (và văn
học) phải thế, không chỉ ở Việt Nam, ở nước nào cũng thế.
Năm 1937 trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, A. Machado viết:
Ngòi bút tôi nếu được bằng khẩu súng
của anh thôi, tôi sẽ chết yên lòng
Năm 1969 trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Tố Hữu viết:
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương
Thơ đó là một tồn tại, hiểu theo nghĩa Hegel, “cái gì tồn tại là hợp lý, và cái
gì hợp lý thì tồn tại”. Chê bai, phủ nhận đều không đúng, và không được,
cái tồn tại ở khách quan thì cũng mất đi ở khách quan. Nói điều này để
tránh những thái độ suy diễn, quy chụp ra ngoài thơ, đẩy về phía chính trị
hay đạo đức, đó là hành động phi chính trị và phi đạo đức, không nói là phi
khoa học vì cố nhiên là phi khoa học.
Chiến tranh là biến cố bất thường và khác thường trong đời sống một cộng
đồng, một dân tộc, một quốc gia, một gia đình, một cá nhân. Thơ chống Mỹ
nói cái khác thường, bất thường đó một mặt như cái bình thường, mặt khác