Lão dừng lại bên một đám người tụ tập, nghe thấy tiếng guitar bập bùng
và một giọng đang ca một bài chắc ai cũng nghe qua trừ lão. Trước kia lão
đã từng nghe bài đó, có thể là từ một phần tư thế kỷ trước, nhưng với lão có
lẽ chỉ mới ngày hôm qua. Giờ thì mọi thứ đều giống như vậy - dường như
càng ở xa về phía quá khứ, chúng trông càng gần hơn và rõ hơn. Lão có thể
nhớ những thứ đã nhiều năm rồi không nghĩ đến. Giờ đây lão có thể nhắm
mắt lại rồi thấy ngay trên võng mạc những thứ mà lão đã đọc trong các nhật
ký chiến tranh của mình.
“Dù sao đi nữa, ông cũng còn được một năm!”
Một mùa xuân và một mùa hè. Lão sẽ được thấy từng chiếc lá ngả vàng
trên những cây rụng lá ở Studenterlunden như thể lão đang đeo cặp kính
mới. Cũng những cây ấy đã đứng đó hồi năm 1945, đúng không nhỉ? Ngày
hôm đó trông chúng không rõ ràng lắm, chẳng có gì rõ ràng cả. Những
khuôn mặt tươi cười, những bộ mặt tức tối, những tiếng reo hò lão hầu như
không nghe thấy, tiếng cửa xe đóng sầm lại còn lão có lẽ đã ứa nước mắt vì
khi lão nhớ lại những ngọn cờ người ta vừa vẫy vừa chạy dọc vỉa hè, chúng
có màu đỏ và nhòa đi. Họ hô vang: thái tử đã trở về!
Lão đi lên đồi đến Hoàng cung nơi vài người đang xúm lại xem đổi
phiên gác. Tiếng vọng của những khẩu lệnh, tiếng lách cách, rầm rập của
báng súng trường và gót giày dội lên mặt tiền bằng gạch vàng nhạt. Có
tiếng ro ro của máy quay phim và lão nghe được vài từ tiếng Đức. Một cặp
vợ chồng trẻ người Nhật đứng đó khoác tay nhau, vui vẻ xem màn diễn.
Lão nhắm mắt lại, cố gắng phát hiện mùi quân phục và dầu lau súng. Thật
vớ vẩn, dĩ nhiên; ở đây chẳng có gì tỏa ra mùi cuộc chiến của lão.
Lão lại mở mắt ra. Chúng biết cái gì chứ, đám lính trẻ ranh mặc đồ đen,
những hình nhân trên sân duyệt binh của chế độ quân chủ xã hội này, thực
hiện những hành vi mang tính biểu tượng mà chúng còn quá ngây thơ để
hiểu và còn quá trẻ để cảm nhận được gì. Lão lại nghĩ về ngày hôm đó,
những thanh niên Na Uy ăn vận như quân nhân, hay “lính Thụy Điển” như
họ tự gọi. Trong mắt lão, họ là những chú lính chì; họ không biết cách mặc
quân phục, còn ít biết cách đối xử với tù nhân chiến tranh hơn. Họ đã khiếp
sợ và tàn bạo: điếu thuốc trên môi và mũ quân phục đội lệch ngang tàng; họ