“Tôi cho rằng việc này phải dựa trên lịch sử nước Áo gần đây.” Lẽ ra
ông nên dừng lại ở đó. Lẽ ra ông nên dừng lại. “Những liên kết với chủ
nghĩa Quốc xã vẫn còn đó. Suy cho cùng, hầu hết các sử gia đều đồng ý
rằng trong suốt Thế chiến II, Áo thực tế là một đồng minh với nước Đức
của Hitler.”
“Chẳng phải Áo cũng bị xâm lược sao, như Na Uy?”
Ông kinh ngạc thấy mình chẳng biết ngày nay họ được học những gì ở
trường về Thế chiến II. Rõ ràng là rất ít.
“Cô vừa nói tên cô là gì nhỉ?” ông hỏi. Có lẽ ông đã hơi quá chén. Cô ta
nói tên mình cho ông
“À Natasja này, để tôi giúp cô một chút trước khi cô lại gọi người khác
nhé. Cô đã nghe nói đến Anschluss chưa? Có nghĩa là Áo không bị xâm
lược theo hiểu biết thông thường về từ này. Quân Đức hành quân đến Áo
vào tháng Ba năm 1938. Hầu như không hề gặp phải kháng cự, tình hình
này được giữ nguyên cho đến hết thời gian còn lại của cuộc chiến.”
“Vậy là giống Na Uy à?”
Brandhaug kinh hoàng. Cô ta nói câu đó một cách chắc nịch, chẳng có tí
xấu hổ nào vì sự ngu dốt của mình.
“Không,” ông chậm rãi đáp, như thể đang nói chuyện với một con nhóc
chậm hiểu. “Không giống Na Uy. Ở Na Uy chúng ta đã tự vệ, chúng ta đã
có vua và chính phủ Na Uy tại London sẵn sàng và đợi chờ, phát đi những
chương trình truyền thanh và… khích lệ, động viên nhân dân ở quê nhà.”
Ông có thể thấy cách ăn nói của mình hơi không thích hợp, bèn nói
thêm, “Ở Na Uy, toàn dân đã đứng lên sát vai nhau chống lại những lực
lượng chiếm đóng. Một số kẻ phản bội người Na Uy khoác lên người
những bộ quân phục Lực lượng Vũ trang ss, chiến đấu cho quân Đức,
nhưng chúng là cặn bã của xã hội, mà cô phải chấp nhận ở quốc gia nào
cũng có. Nhưng ở Na Uy này sức mạnh của cái thiện phát huy, những cá
nhân mạnh mẽ dẫn dắt phong trào Kháng chiến chính là nhân tố lát đường
cho nền dân chủ. Những con người này trung thành với nhau và xét cho
cùng chính họ đã cứu Na Uy. Nền dân chủ tự nó đã là một phần thưởng. Bỏ
phần nói về đức vua của tôi đi nhé, Natasja.”