này đẹp như tiên nữ giáng trần. Mắt xanh, da trắng, tóc vàng. Tuổi mới
mười lăm, mười sáu. Váy liền áo chỉ ngắn đến bẹn…
- Người kiếm những chuyện đó ở đâu, mà nghe kỳ vậy, - Hưng Đạo
vương vừa cười thú vị, vừa hỏi.
- Dạ! Bẩm!… Từ lúc Đại Tống bị Nguyên Mông tiêu diệt. Có tới chục
vạn dân cư và binh lính người Hán chạy sang Đại Việt ta lánh nạn. Việc này
chắc Tiết chế biết rõ hơn cả thảo dân. Thảo dân nghe chuyện Chiêu Văn
vương Trần Nhật Duật tuyển cả lính Tống trong đó có tướng Triệu Trung
sung vào gia binh của ngài. Còn những chuyện trên là do chính Triệu Trung
đã nói với thảo dân trong mấy lần ở quán rượu phố huyện.
- À, thì ra ngươi cũng ranh mãnh gớm! - Hưng Đạo vương nửa khen nửa
bỡn cợt.
- Dạ! Bẩm!… Thảo dân chỉ làm theo sự chỉ dạy của sư phụ! Người bảo
muốn biết giặc Nguyên Mông thế nào cứ đi uống rượu với tàn binh Tống sẽ
rõ.
- Vậy sư phụ ngươi là ai?
- Pháp danh của Người là Hồng Quang trụ trì tại chùa Bảo Sơn làng Phù
Ủng ạ!
- Ta khá khen thầy trò ngươi. Bây giờ bản vương hỏi tiếp. Như Bảo
Nghĩa vương Trần Bình Trọng, Tả quân Thánh dực (đạo quân tinh nhuệ
bảo vệ vua) có đấu lại được với hai tên “soái” này không?
- Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng tuổi trẻ, tài cao, trí dũng, đảm lược
đều đủ cả. Thương pháp của Bảo Nghĩa vương vốn được truyền từ đằng
ngoại là vua Lê Đại Hành là thiên hạ vô địch. Nhưng về gân sức cũng
không thể sánh được Toa Đô và Ô Mã Nhi. Nước Việt ta có một tướng đủ
tài đao pháp và gân sức để chọi với Toa Đô, Ô Mã là Đô tướng thủy quân
Nguyễn Khoái.
- Thế còn ngươi? - Hưng Đạo vương ngắt lời.