Khánh Dư thản nhiên bước ra tâu rằng:
- Quan lại, quý tộc là chim ưng. Quân dân là con vịt. Bởi thế đem vịt mà
nuôi chim ưng là lẽ tự nhiên. Có gì mà lạ!
Vua giận lắm, định mắng lại thì Trần Khắc Chung đã đưa mắt cho Khánh
Dư. Dư viện cớ đau bụng ra ngoài.
Đó là năm 1296, lúc đó Phạm Ngũ Lão đã là Điện súy, chỉ huy quân
Thánh dực. Là người duy nhất ở hàng quan võ lên triều không phải cởi
gươm. Thấy Khánh Dư nói như vậy thì lửa giận bốc lên đùng đùng. Bao
nhiêu sự hy sinh xương máu của dân chúng qua các cuộc kháng chiến
chống Nguyên Mông, cùng với sự đói khổ lầm than đến cùng cực vì nạn
tham quan ô lại, lẫn thời tiết khắc nghiệt gây mất mùa; ấy vậy mà Khánh
Dư lại “tuyên bố” đến ghê sợ như vậy đã khiến Ngũ Lão không kìm nổi,
đuổi theo Khánh Dư, tuốt gươm ra định chém. Nguyễn Chế Nghĩa lúc đó
cũng đang là Đô tướng, Phó chỉ huy quân Thánh dực thấy vậy vội đuổi
theo, ôm chặt người Ngũ Lão lại và van vỉ:
- Hiền huynh, đừng xúc động quá! Việc này không thể nóng giận mà giải
quyết được.
Phạm Ngũ Lão ấn mạnh gươm vào vỏ rồi nói:
- Đệ chịu đựng được thì ở lại! Huynh phải từ quan thôi!
Vua Trần Anh Tông (lên ngôi năm 1293) vốn là vị vua thông minh. Biết
tất cả việc làm sai trái của Trần Khánh Dư. Nhưng vì Khánh Dư là đại công
thần trong cả ba lần chống Nguyên Mông nên không thể tùy tiện trị tội
được. Anh Tông bèn bàn với các triều thần là Trần Thì Kiến, Đoàn Nhữ
Hài và Trần Khắc Chung. Để xoa dịu dư luận cũng như kiềm chế bớt sự tác
oai, tác quái của một số quan lại biến chất nên đã đề ra sắc luật mới là CHO
NHỮNG NGƯỜI ĐÃ BÁN THÂN HOẶC BÁN RUỘNG TRONG VÒNG
NĂM NĂM CÓ THỂ CHUỘC ĐƯỢC THÂN VÀ ĐƯỢC RUỘNG. Quá
năm năm thì thôi. Riêng các vùng nuôi tôm của Trần Khánh Dư có chỉ dụ
riêng, cho dân khai phá thuê được phép sử dụng thêm hai năm nữa.