vài ba người một. Lớp trước dạy lớp sau. Chỉ có các bài nâng cao thì sư
phụ mới trực tiếp truyền thêm.
Sư phụ Mã bỏ tiền ra tậu ruộng, tậu đất đai, trâu bò. Các võ sinh tự canh
tác nuôi thân, để mà luyện võ. Sư phụ còn nhờ Nguyễn tiên sinh mời ba
thầy để đến dạy chữ cho các môn sinh. Tiền thù lao tất nhiên là thầy Mã chi
trả tất. Không muốn “phô trương” nên sư phụ Mã cấm các học trò được
tham gia các ngày hội võ thuật ở xung quanh, nhân dịp tết đến xuân về.
Thời gian cứ thấm thoắt trôi. Mới ngày nào sư phụ Mã đến đây Trọng
Nhân mới mười một mà nay đã 16. Chị Cả lập tức hỏi vợ cho nó. Ngũ Lão
khuyên nên chờ thêm hai ba năm nữa. Nhưng riêng việc này thì chị kiên
quyết cho sư phụ “ra rìa”. Mười tháng sau, một cặp song sinh ra đời. Đứa
nào cũng “chân tay dài, rộng cả”. Chị Cả mừng đến rơi nước mắt, đặt đứa
ra trước là Khánh Trung, đứa ra sau là Khánh Đức.
Một lần Phạm Ngũ Lão có việc phải về kinh sáu tháng. Khi quay lại thấy
Trọng Nhân chững chạc hơn nhiều. Trọng Nhân khoe, mới tự luyện được
ngón phóng lao, bách phát bách trúng. Sư phụ hỏi nhờ đâu mà con nghĩ ra
được “chiêu” này? Trọng Nhân thưa:
- Một lần theo đoàn thợ săn. Họ bẫy được một con gấu ngựa cực lớn.
Chân nó đã dính bẫy rồi. Nhưng đám thợ vác giáo vào đâm, đều bị nó dùng
hai tay trước đoạt hết. Con cũng cầm giáo lao vào. Nó đoạt được ngay. Con
bèn lùi lại. Vớ một ngọn giáo, nhằm ức có chùm lông trắng của nó phóng
tới. Chỉ một phát trúng ngay tim. Con gấu ngựa nặng tới hơn hai tạ gục
xuống liền, về nhà con nghĩ. Địch ở sát thì dùng đao, ở xa thì dùng cung
tên. Còn ở lưng chừng thì phóng lao là thượng sách. Thế là con luyện
“chiêu” này. Giờ cách xa hai chục bước, con phóng “bách phát, bách
trúng”.
- Con hơn sư phụ là phúc lớn cho nước nhà rồi! - Ngũ Lão ôm chầm lấy
Trọng Nhân, nghẹn ngào, mừng rỡ nói.
Mùa xuân năm 1318, vua Chiêm là Chế Năng lại làm phản. Đánh phá
vùng giáp ranh với Đại Việt. Đưa yêu sách đòi lại hai châu Ô và châu Rí.