sông. “Quân địch” thì cố tiến vào. Còn “quân ta” thì ra sức chặn lại. Đến
lúc thủy triều xuống thì Nguyễn Khoái từ thuyền lớn ra lệnh khua chiêng
thu quân.
Hưng Đạo vương thấy Nguyễn Khoái thao luyện năm vạn thủy quân với
hàng ngàn chiếc thuyền lớn nhỏ hết sức bài bản, lên xuống nhịp nhàng, kỷ
luật nghiêm minh thì lấy làm vui lắm. Chợt dưới thuyền có tiếng hô:
- Tiết chế đến!
Nguyễn Khoái đánh mắt nhìn thấy đoàn người ngựa với lá cờ súy lớn thì
vội vàng lệnh cho thuyền quay mũi vào bờ. Còn cách bến một đoạn khá xa,
Nguyễn Khoái đã nhảy ào xuống nước hớt hải chạy lên:
- Mạt tướng thật có tội! Không biết Tiết chế đến để nghênh tiếp từ xa. -
Nguyễn Khoái vội phủ phục xuống vạt cỏ bên bờ sông vừa liến thoắng nói.
- Đô tướng đừng đa lễ thế! Đứng dậy đi!
Hưng Đạo vương ân cần nói.
- Tạ ơn Tiết chế! - Nguyễn Khoái đáp lại.
Ngũ Lão nhảy xuống ngựa tự lúc nào, đỡ Nguyễn Khoái đứng lên và hỏi:
- Hiền huynh vẫn mạnh khỏe chứ?
- Nếu bây giờ lại vật nhau với đệ nữa thì huynh không thua đâu?
Tất cả mọi người đều cười vui vẻ.
Hưng Đạo vương sai cắm trại ngay trên bờ sông. Cửa trại quay về hướng
nam để tránh cái gió Bấc rét như cắt da cắt thịt. Người bảo Nguyễn Khoái
cho gọi viên đô giám (tức giám quân) và quan chuyên trông coi việc quân
lương, binh khí cùng đến dự họp. Một chiếc bàn vuông rất rộng cùng hơn
một chục chiếc ghế được bày ra. Hưng Đạo vương ngồi trên chiếc ghế bành
lớn, bên phải là Ngũ Lão, bên trái là Yết Kiêu và Dã Tượng. Phía đối diện
là Nguyễn Khoái và hai viên đô giám và quan lương. Vừa ngồi vào bàn
Nguyễn Khoái đã đưa cặp mắt nhỏ dưới cái trán thấp nhìn chằm chặp vào