- Nam mô a di đà Phật! - Sư cụ chắp tay trước ngực nói. - Bần đạo đã ăn
mày cửa Phật tám chín mươi năm rồi! Những chuyện thế sự không còn để ý
tới nữa. Song nếu quả thực là giặc dữ có tràn xuống đất này thì cũng phải
tay đao tay thước cùng với dân làng đuổi chúng đi để bảo vệ chùa thôi!
- Không! Bản vương nhất quyết không để cho chúng tràn xuống đây
được! Nhưng trận chiến ở ngoài sông chắc chắn là rất dữ dội. Mong sư cụ
động viên dân làng ra đánh trống, hò reo trợ chiến!…
- Nam mô a di đà Phật! Điều này thì bần đạo có thể làm được. Không
cần Tiết chế phải nhắc nhở.
- Bản vương xin đa tạ sư cụ!
- Không dám ạ! Dù là người tu hành đi nữa thì cũng phải biết phù cái
thiện, xua đuổi cái ác.
- Nhân đây xin hỏi sư cụ một số điều, không biết có tiện không?
- Xin Tiết chế cứ tự nhiên, điều gì bần đạo rõ, sẽ xin thưa lại hết.
- Hôm qua, bản vương có ghé vào thắp hương tại Đền thờ tướng quân
Phạm Bạch Hổ. Người đã chém bay đầu tên Việt gian bán nước Kiều Công
Tiễn, kẻ đã ám hại tướng công Dương Đình Nghệ để dọn đường rước quân
Nam Hán vào xâm chiếm nước ta. Tướng quân Phạm Bạch Hổ cũng là
tướng tiên phong cho Ngô Vương Quyền chặn đánh dữ dội quân Nam Hán
ở cửa sông Bạch Đằng và giết chết thái tử Hoàng Thao, đập tan ý đồ xâm
lược của quân Nam Hán. Vậy xin hỏi sư cụ tướng quân Phạm Bạch Hổ với
đệ tử Phạm Ngũ Lão của sư cụ có họ hàng gần xa gì với nhau không ạ!
Sư cụ cười sảng khoái đáp:
- Lúc trước Tiết chế có nói “Đất linh sinh nhân kiệt”. Châu Thượng
Hồng là đất như thế. Bởi thế hơn hai trăm năm trước đây đã sinh ra Phạm
Bạch Hổ. Còn nay thì sinh ra đệ tử của bần đạo là Phạm Ngũ Lão. Đơn
giản thế thôi. Bần đạo quả quyết rằng họ chẳng có họ hàng về bên nội hay
bên ngoại gì với nhau cả.
Hưng Đạo vương cũng cười sảng khoái: