nhân dân đều được đại diện bình đẳng. Nhưng, nền dân chủ như thông
thường vẫn được hiểu và cho đến nay vẫn được thực hành là chính quyền
của toàn thể nhân dân do chỉ riêng một đa số dân chúng được độc quyền đại
diện. Dân chủ [theo cách hiểu] trước là đồng nghĩa với sự bình đẳng của tất
cả mọi công dân; dân chủ [theo cách hiểu] sau, bị lầm lẫn một cách lạ lùng
với nó, là chính quyền của sự đặc quyền, thiên vị cho đa số số học, cái đa
số một mình nắm giữ trên thực tế mọi tiếng nói trong Nhà nước. Đó là hậu
quả tất yếu của cái cung cách bầu cử hiện nay đang làm, tước đi hoàn toàn
quyền bầu cử của những nhóm thiểu số.
Sự lầm lẫn ý tưởng ở đây rất là lớn, nhưng nó có thể được làm sáng tỏ
thật dễ dàng bằng cách đưa ra một tiêu chí nhẹ nhàng nhất đủ để đặt mọi
thứ vào chỗ của chúng đối với bất cứ đầu óc nào có trí tuệ trung bình. Sự
tình có thể như vậy, tuy nhiên do sức mạnh của thói quen mà một ý tưởng
đơn giản nhất nhưng không quen thuộc, lại thường được người ta tiếp thu
rất khó khăn, giống như là tiếp thu một ý tưởng phức tạp hơn nhiều. Thiểu
số phải phục tùng đa số, số ít phải phục tùng số nhiều, ấy là một ý tưởng
quen thuộc; vì thế người ta nghĩ rằng không cần thiết phải sử dụng đầu óc
suy nghĩ xa hơn nữa và không hiểu được rằng có sự chiết trung hay trung
đạo nào đó nằm giữa việc cho phép thiểu số có quyền lực ngang bằng với
đa số và việc tiêu diệt hoàn toàn cái thiểu số. Trong một hội đồng đại biểu
thực sự được cân nhắc chín chắn, thiểu số tất nhiên phải bị thống trị; và
trong một nền dân chủ bình đẳng (vì lẽ những ý kiến của các thành viên sẽ
quyết định ý kiến của hội đồng đại biểu) nhóm đa số dân chúng thông qua
các đại biểu của mình sẽ thắng phiếu và chiếm ưu thế trước nhóm thiểu số.
Nhưng liệu có suy ra từ đó rằng nhóm thiểu số phải không được có đại biểu
nào hết hay không? Phải chăng vì nhóm đa số phải thắng thế nhóm thiểu số
nên nhóm đa số phải có toàn bộ số phiếu bầu, còn nhóm thiểu số thì không
có phiếu bầu nào? Liệu có tất yếu là nhóm thiểu số phải không được lắng
nghe hay không? Không có gì khác hơn là thói quen và sự liên tưởng đến
những ý nghĩ cũ xưa mới có thể làm cho một con người có lý tính chịu thỏa
hiệp với một sự bất công không cần thiết. Trong một nền dân chủ thực sự