thể ấy, đó chính là trình tự ý tưởng trong tâm trí những người tán thành
quan điểm triết lý chính trị này. Họ coi hiến pháp với cùng một quan niệm
(có khác biệt về tầm cỡ) như là cái máy cày hay máy đập lúa.
Đối lập với những người trên là một loại các nhà lý luận chính trị kiểu
khác; những người này hoàn toàn không đồng hóa một hình thức chính thể
với một cỗ máy mà coi nó như một loại sản phẩm tự nhiên, xem khoa học
về chính thể giống như một nhánh, nếu có thể nói như thế, của môn lịch sử
tự nhiên. Theo những người này thì các hình thức chính thể không phải là
thứ để chọn lựa. Chúng ta tìm thấy chúng thế nào thì phải chấp nhận chúng
về cơ bản giống như thế. Các chính thể không thể được tạo dựng nên theo
đồ án có chủ đích từ trước. Chúng “không phải được tạo thành mà tự mọc
lên”. [cách nói của Sir James Mackintosh, trong Logic học 1, tr. 154. N.D]
Công việc của chúng ta đối với chúng, cũng giống như đối với các thực tế
khác của vũ trụ, là làm cho bản thân chúng ta quen thuộc được với các đặc
tính tự nhiên của chúng và thích ứng bản thân chúng ta với chúng. Học phái
này xem các thiết chế chính trị cơ bản của một dân tộc giống như một loại
sinh vật hữu cơ sinh trưởng lên từ bản tính tự nhiên và đời sống của dân tộc
ấy: một sản phẩm của các tập quán của họ, một sản phẩm của các bản năng
và các ham muốn khát vọng vô thức, chắc chắn không dính dáng gì đến
những mục đích có suy nghĩ của họ. Ý chí của họ không có phần tham dự
nào ngoài việc đáp ứng những tất yếu của thời điểm bằng các kỹ xảo của
thời điểm, các kỹ xảo này nếu đủ thích ứng với các cảm xúc và tính cách
của dân tộc thì nói chung sẽ là trường tồn; và bằng cách tích tụ thành công,
các kỹ xảo ấy sẽ cấu thành một tổ chức nhà nước thích hợp với dân tộc có
tổ chức ấy, nhưng nếu mưu toan áp đặt nó cho bất cứ dân tộc nào khác, có
bản tính và những hoàn cảnh không làm nó phát triển tự phát được, thì sẽ
phải thất bại.
Thật khó mà quyết định được cái nào trong các học thuyết ấy là phi lý
hơn nếu giả sử như ta có thể kiến nghị chọn một trong số chúng làm lý
thuyết độc nhất. Thế nhưng đối với bất cứ chủ đề gây tranh cãi nào thì các
nguyên lý mà người ta rao giảng thường khi lại là sự diễn giải không đầy