phải phụ thuộc vào sự sẵn sàng của dân chúng tranh đấu cho các thiết chế
ấy trong trường hợp chúng có nguy cơ bị đe dọa. Nếu chuyện này ít được
coi trọng, các thiết chế đại diện sẽ hiếm khi nào có được đôi chút địa vị
vững chắc, và nếu có thì chắc chẳng bao lâu rồi cũng sẽ bị đánh đổ, một khi
người cầm đầu chính quyền, hay lãnh tụ của chính đảng, tập trung sức
mạnh ra tay (coup de main) mạo hiểm để giành lấy quyền lực tuyệt đối.
Các xem xét này liên quan tới hai nguyên nhân đầu tiên cho sự thất bại
của chính thể đại diện. Nguyên nhân thứ ba là khi dân chúng thiếu ý chí
hay khả năng thực hiện phần trách nhiệm thuộc về họ ở trong một hiến
pháp đại diện. Khi chẳng có ai, hay chỉ một phe nhóm nhỏ nào đó, cảm
thấy có mức độ quan tâm đến việc chung của Nhà nước, sự quan tâm cần
thiết để hình thành công luận, lúc đó các cử tri sẽ chẳng mấy khi sử dụng
tới quyền bỏ phiếu, trừ phi để phục vụ cho quyền lợi riêng, cho quyền lợi
địa phương, hay cho quyền lợi của những kẻ mà họ có quan hệ chặt chẽ và
bị phụ thuộc. Trong tình trạng của công chúng như vậy thì giai cấp nhỏ bé
giành được quyền chỉ huy các cơ quan đại diện phần nhiều sẽ sử dụng
chúng đơn thuần như phương tiện tìm kiếm vận may cho riêng mình. Nếu
hành pháp yếu ớt thì đất nước sẽ rối loạn trong các cuộc đấu đá giành địa
vị; nếu hành pháp mạnh mẽ thì nó sẽ tự biến mình thành chuyên chế, với
giá rẻ của sự thỏa hiệp vô nguyên tắc bằng cách chia nhau chiến lợi phẩm
cùng người đại diện, nhất là những người có khả năng gây phiền nhiễu; kết
quả duy nhất của sự đại diện quốc gia là ngoài những kẻ thực sự cai trị thì
còn có thêm một quốc hội chia năm xẻ bảy trước công chúng và chẳng có
phe nào trong quốc hội có vẻ quan tâm chút ít đến việc dẹp bỏ sự lộng
quyền. Thế nhưng nếu sự xấu xa dừng lại ở đây thì có thể cái giá ấy cũng
đáng trả cho sự công khai và sự tranh cãi, vì, tuy không ổn định, nhưng dù
sao vẫn là hai đặc điểm luôn đi kèm theo bất cứ tính đại diện nào, ngay cả
sự đại diện chỉ trên danh nghĩa. Thí dụ như ở Vương quốc Hy Lạp hiện
đại
, không còn nghi ngờ nào nữa rằng những kẻ săn tìm địa vị (place-
hunters) chiếm hầu hết thành phần quốc hội đại diện, dù đóng góp rất ít hay
chẳng chút nào cho sự cai trị tốt mà cũng chẳng làm giảm đi được bao