Quyển 1
CHƯƠNG 1
Mỗi một nhà nước là một hình thức quần tụ nào đó của con người - một
cộng đồng, và mỗi một cộng đồng được thiết lập nhằm đạt tới một cái tốt
nào đó; vì hoạt động của con người luôn luôn nhằm đạt được cái mà nó
nghĩ là tốt. Nhưng, nếu tất cả các cộng đồng đều nhắm đến một cái tốt, thì
nhà nước hay cộng đồng chính trị - cộng đồng cao nhất và bao trùm tất cả
các cộng đồng - phải nhắm tới cái tốt cao cả hơn mọi cái tốt khác, và phải
là cái tốt ở mức độ cao nhất.
Người ta thường nghĩ là các đức tính của một nhà lãnh đạo chính trị, một
ông vua, một gia trưởng, và của một chủ nhân ông đều giống nhau, và nếu
họ có khác nhau, thì cũng không phải vì vị thế của họ khác nhau, mà ở số
lượng các đối tượng dưới quyền. Thí dụ, kẻ làm chủ vài người được kêu là
ông chủ; hơn vài người thì được kêu là quản gia; hơn thật nhiều người nữa
thì được gọi là nhà lãnh đạo hay một ông vua. Lối gọi kiểu này không phân
biệt được sự khác nhau giữa một đại gia tộc và một nhà nước nhỏ. Sự khác
biệt giữa một vị vua và một nhà lãnh đạo nhà nước là ở chỗ này: Khi chính
quyền thuộc về một người, thì nhà cai trị được gọi là vua; còn khi mà theo
quy luật của khoa học chính trị, chính quyền do công dân - đồng thời là
người cai trị và bị trị - thì người cai trị được gọi là nhà lãnh đạo chính trị.
Nhưng tất cả những lập luận này đều sai lầm cả, vì các chính quyền cũng
có nhiều loại khác nhau; điều này cũng hiển nhiên cho bất cứ ai nghiên cứu
vấn đề bằng phương pháp chúng ta sử dụng. Cũng giống như trong các
ngành khác của khoa học, chính trị cũng vậy, một hợp chất luôn luôn có thể
được phân giải ra thành những phần tử đơn giản hay nhỏ nhất của tổng thể.
Do đó, chúng ta phải xem xét các phần tử cấu thành nhà nước, hầu có thể