Chương 3
Bây giờ ta hãy xét đến quan điểm của những người đồng ý rằng, đời sống
đức hạnh là cuộc đời đáng sống nhất, nhưng khác nhau ở cách thực hiện.
Một bên cho rằng, phải từ bỏ quyền lực chính trị, và nghĩ rằng, đời sống
của con người tự do là một đời sống tốt đẹp nhất, khác hẳn với đời sống
của con người chính trị; trong khi đó, bên kia lại cho rằng, đời sống của con
người chính trị mới là đời sống tốt đẹp nhất. Lập luận của phái thứ hai cho
rằng, những ai không làm gì hết - sống một đời tự do, thì không thể làm tốt,
và những hoạt động đạo đức thì đồng nghĩa với hạnh phúc. Cả hai phái đều
có phần đúng và có phần sai. Phái thứ nhất có lý khi xác định rằng, đời
sống của con người tự do tốt hơn đời sống chủ nhân của nô lệ, bởi vì chẳng
có gì cao cả trong việc cai quản nô lệ, hay khi sai phái nô lệ làm việc hầu
hạ mình. Nhưng khi cho rằng, sự cai trị nào cũng có tính chất chủ tớ như
giữa chủ nhân và nô lệ thì cũng sai nốt, vì có một sự khác biệt lớn lao giữa
luật lệ đối với người tự do và luật lệ đối với nô lệ, vì bản chất của người tự
do và nô lệ vốn dĩ khác nhau. Điều này ta đã bàn đến trong Chương thứ
nhất rồi. Phái thứ nhất còn có một sai lầm khác khi cổ võ cho “vô vi,” và ca
tụng sự xuất thế, vì hạnh phúc chính là sự hoạt động, và hành động của
những người khôn ngoan và công bằng là sự thể hiện của những gì xứng
đáng gọi là cao nhã.
Nhưng có lẽ vẫn có những người, dù chấp nhận tiền đề này, cho rằng nắm
được quyền lực tối thượng là điều tối ưu, bởi vì người có quyền lực tối
thượng sẽ có thể thực hiện nhiều hành vi cao cả nhất. Nếu ta chấp nhận lý
luận này, thì phải chấp nhận rằng, người có khả năng cai trị, thay vì nhường
nhịn cho hàng xóm của mình, nên chiếm hết quyền lực của y; người cha
không cần đếm xỉa gì đến con, con cái đối với cha mẹ, hay bạn bè đối với
nhau cũng vậy. Họ không cần phải quan tâm đến ai hết khi so sánh với cái
mục đích cao hơn này, vì điều tốt đẹp nhất là điều mà ai cũng mong ước, và