Những người có một chút suy tư sẽ lấy làm lạ, tại sao một nhà lãnh đạo
quốc gia lại luôn luôn nghĩ đến việc thống trị những nước khác, dù cho họ
có chịu hay không. Dựa trên căn bản nào mà những điều không hợp pháp
lại là công việc của nhà lãnh đạo quốc gia hay của nhà lập pháp? Cai trị mà
không đếm xỉa gì đến có sự công bằng hay không thì chắc chắn là điều bất
hợp pháp, bởi vì có sức mạnh chưa hẳn lúc nào cũng đúng. Không có một
ngành nghề nào hay khoa học nào tương đương với kiểu cai trị độc đoán
như thế này. Y sĩ hay thuyền trưởng chẳng hạn, chẳng có ai nghĩ là họ sẽ
dùng đến sự cưỡng bách bệnh nhân hay thuỷ thủ đoàn phải nghe theo họ.
Thế mà có nhiều người vẫn nghĩ rằng, sự cai trị độc tài là nghệ thuật trị
nước, và những gì họ xem là bất công hay bất lợi cho họ, thì họ cũng chẳng
ngại ngùng xấu hổ gì khi áp dụng cho kẻ khác. Họ đòi hỏi phải được cai trị
công bằng, nhưng chẳng buồn quan tâm đến những người khác khi bất
công xảy đến với những người này. Cách hành xử như vậy là phi lý; trừ phi
một bên được sinh ra để phục vụ bên kia. Trong trường hợp đó, người ta có
quyền chỉ huy, không phải tất cả những người khác, nhưng chỉ đối với
những người sinh ra để phục vụ mà thôi. Người ta không đi săn người để ăn
thịt hay làm của tế lễ, nhưng chỉ săn thú để làm lương thực hay của lễ, vì
mục đích của thịt thú rừng là để ăn và làm vật tế. Chắc chắn cũng có những
nước sống hạnh phúc trong tình trạng tự cô lập, và ta cũng có thể giả thiết
là những nước như vậy được cai trị khéo léo với những luật lệ tốt đẹp; và vì
thế, những nước như vậy không phải được thành lập nhằm vào mục tiêu
chiến tranh hay chinh phục nước khác - tất cả những điều như vậy phải bị
gạt bỏ khỏi hiến pháp. Cho nên, ta thấy rõ ràng, những mưu đồ chiến tranh,
dù được nhiều người xem là điều vinh dự, không phải là cứu cánh tối
thượng mà chỉ là phương tiện. Và nhà lập pháp giỏi nên suy xét xem làm
thế nào để cho các nước, các giống dân khác nhau và những cộng đồng có
thể sống một đời sống tốt đẹp, trong đó, hạnh phúc là điều họ có thể đạt
được. Việc ban hành những luật lệ không phải lúc nào cũng như nhau, khi
có những nước chung quanh, nhà lập pháp còn phải nghiên cứu những
phương sách nào nên làm đối với những đặc tính khác nhau của từng nước
và những biện pháp nào là thích hợp trong quan hệ đôi bên. Nhưng cứu