giờ rảnh rỗi, lại sinh hoạt không khá hơn gì kẻ nô lệ. Bởi vậy, ta không nên
trau dồi đức tính theo kiểu người Sparta, vì dù họ có cùng quan điểm với
mọi người về thế nào là điều tốt đẹp cao cả nhất, họ lại khác với tất cả khi
cho rằng, điều tốt đẹp đó có thể đạt được qua sự trau dồi một đức tính duy
nhất mà thôi, tức là đức tính dũng cảm trong chiến tranh. Họ đã [sai lầm
khi] xem những của cải vật chất bên ngoài có giá trị cao hơn những điều tốt
đẹp do việc trau dồi đức tính mang lại. Chính việc ta phải trau dồi những
đức tính chỉ vì đó mới là điều cần thiết cho một đời sống hạnh phúc, như ta
đã lập luận từ trước đến nay. Vấn đề còn lại là xét xem bằng cách nào và
phương tiện nào ta có thể đạt được mục đích này.
Ta đã xác định rằng, để đạt được tình trạng tốt, con người cần có ba điều
kiện là thể chất tốt (do bẩm sinh), những thói quen tốt, và lý tính. Ta cũng
xác định những điều kiện nào là cần thiết để trở thành công dân tốt
(Chương VII). Tới đây, ta phải xét xem, trong việc huấn luyện trẻ con, nên
bắt đầu bằng tập cho chúng những thói quen tốt hay tập cho chúng suy nghĩ
và vận dụng lý trí trước? Hai cách thức huấn luyện này phải hài hoà với
nhau, không những ở chỗ phương pháp nào cần dạy trước, mà cả hai
phương pháp phải nhắm đến cùng mục đích cao nhất; nếu không, những
nguyên lý của lý tính có thể bị áp dụng sai lầm, không đạt được lý tưởng
cao nhất của đời sống, và sự huấn luyện qua tập quán cũng có thể mắc
những khuyết điểm tương tự. Có một điều hiển nhiên ngay từ đầu, đó là
trong tất cả mọi sự, sự sinh sản nào cũng có bước khởi đầu của nó (như cha
mẹ phải kết hợp với nhau mới sinh sản ra con cái), nhưng kết quả của
những bước khởi đầu đó chỉ là những bước dẫn tới một mục đích tối hậu xa
hơn. Đối với con người, lý trí và tâm trí là những mục đích tối hậu mà con
người nhắm tới; cho nên, việc rèn luyện thói quen tốt và lễ phép phải được
bắt đầu từ lúc mới sinh. Thứ hai, vì tinh thần và thể xác là hai thực thể, và
tinh thần cũng có hai phần là lý tính và phi-lý tính, tương ứng với hai tình
trạng - lý trí và bản năng. Theo thứ tự, cơ thể của con người có trước tinh
thần, cho nên, phần phi-lý tính hiện hữu trước phần lý tính. Bằng chứng là
những hành vi có tính chất bản năng như giận dữ, ham muốn đều thể hiện