Chương 16
Vì nhà lập pháp cần lưu tâm đến việc nuôi nấng con trẻ trong quốc gia sao
cho chúng sẽ có được sức vóc khoẻ mạnh nhất, cho nên, điều đầu tiên nhà
lập pháp cần chú ý đến chính là sự kết hợp hôn phối của người dân - mấy
tuổi thì nam nữ nên lập gia đình, và phải hội đủ những tiêu chuẩn về thể
chất như thế nào? Để ấn định những luật lệ về hôn nhân, nhà lập pháp phải
để ý đến tuổi thọ của con người, thời gian cơ thể phát triển đầy đủ cho việc
truyền giống, và sức khoẻ của vợ chồng không khác biệt nhau bao nhiêu, vì
có trường hợp người chồng còn khả năng sinh sản mà người vợ lại không
có khả năng sinh con, hay người vợ còn khả năng thụ thai mà người chồng
lại không còn khả năng sinh sản. Đó thường là những vấn đề sinh ra bất
hoà trong gia đình. Sau đó, nhà lập pháp phải để ý đến lúc nào những cặp
vợ chồng nên có con cái; không nên để xảy ra trường hợp con cái nhỏ tuổi
hơn cha mẹ nhiều quá, vì lúc đó, cha mẹ đã quá già để được hưởng sự yêu
thương của con cái, hay để dạy dỗ chúng nên người. Cũng không nên để
cho những cặp vợ chồng trẻ tuổi có con sớm quá, vì cha mẹ sẽ không lớn
tuổi hơn con cái là bao nhiêu, và con cái, trong trường hợp này, sẽ thiếu
kính trọng cha mẹ và sẽ gây tranh chấp trong việc quản trị gia đình. Điểm
thứ ba, cũng là điểm mà chúng ta đã đi lạc đề lúc nãy, là nhà lập pháp phải
lưu tâm đến những điều kiện sinh sản ra những đứa trẻ khoẻ mạnh.
Những điều đáng lưu tâm này có thể được giải quyết nếu ta chú trọng vào
một điểm: vì khoảng thời gian sinh sản của mỗi thế hệ thường được giới
hạn trong khoảng 70 tuổi cho đàn ông và 50 tuổi cho đàn bà, việc kết hợp
hôn nhân nên tương ứng với những khoảng thời gian này. Đàn ông và đàn
bà lấy nhau khi còn quá trẻ, sẽ bất lợi cho việc sinh sản ra con cái khoẻ
mạnh; trong thiên nhiên, con cái của những loài động vật còn non trẻ đều bị
nhỏ con, kém phát triển, và thường có khuynh hướng sinh ra giống cái.
Điều này cũng đúng với con người, như ta đã thấy trong những nước có tập