CHƯƠNG 7
Ta cũng đã nhận định về tiết điệu và thể điệu của âm nhạc và cách thức sử
dụng những điều này trong giáo dục. Ta có nên phân biệt thành hai môn
riêng rẽ hay dùng hết cả hai thứ? Và có nên áp dụng sự phân biệt này đối
với những người tập luyện âm nhạc để dùng trong giáo dục, hay để dùng
trong những mục đích khác? Ta thấy rằng, âm nhạc được tạo thành bởi âm
điệu và tiết điệu, và ta nên biết ảnh hưởng của mỗi phần trong giáo dục như
thế nào, để xem nên chú trọng vào âm điệu hay tiết điệu khi dạy học. Vì đề
tài này, thực ra, đã được nhiều nhạc sĩ thời nay và những triết gia giàu kinh
nghiệm về giáo dục âm nhạc bàn luận cặn kẽ, đó là những người được xem
là chuyên gia trong đề tài này. Ta sẽ chỉ bàn đến đề tài này trên nguyên tắc
chung, theo cách nhìn của nhà lập pháp.
Ta chấp nhận sự phân chia âm điệu, theo ý kiến của một số triết gia, thành
những loại âm điệu đạo đức, âm điệu hành động, nồng nhiệt hay phấn
khích tinh thần. Mỗi loại âm điệu có một thể điệu riêng. Nhưng hơn thế
nữa, ta khẳng định rằng âm nhạc nên được nghiên cứu, không phải chỉ vì
lợi ích của một, mà vì lợi ích của nhiều người; nghĩa là, cho những mục
đích (1) giáo dục, (2) tinh luyện tinh thần (tạm thời ta chưa giải thích từ
này, nhưng khi bàn về thi ca, ta sẽ giải thích cặn kẽ hơn), (3) thưởng thức,
thư giãn, và giải trí sau khi làm việc vất vả. Như vậy, ta thấy là nên sử dụng
tất cả mọi thể điệu, nhưng không phải sử dụng mọi thể điệu theo cùng một
cách như nhau. Trong giáo dục, những thể điệu nào mang tính chất đạo đức
nhất nên được sử dụng ưu tiên, nhưng khi nghe nhạc, ta cũng có thể chấp
nhận những thể điệu hành động và nồng nhiệt.
Trong một số người, những tình cảm như sợ hãi, thương xót, hay phấn khởi
hiện diện rất mãnh liệt và có ảnh hưởng không nhiều thì ít trên tâm tính của
họ. Một số trở nên cuồng nhiệt về tôn giáo, đó là những người bị ảnh