dùng sự khôn ngoan, họ mưu tìm mọi thứ kiến thức, vì thế, đã đưa môn
thổi sáo vào giáo dục.
Tại Sparta từng có người ca trưởng hướng dẫn ca đoàn bằng tiếng sáo, và
tại Athens, cây sáo đã trở thành một nhạc cụ quá phổ thông, đến nỗi hầu hết
những người tự do đều có thể sử dụng nhạc khí này. Sự phổ thông của sáo
được ghi trong văn bản mà Thrasippus đã đề tặng khi tập luyện ca đoàn
trình diễn cho Ecphantides. Những kinh nghiệm sau này khiến người ta có
thể phán đoán được những nhạc khí nào thực sự giúp cho sự phát triển đức
tính, và người ta đã dẹp bỏ cả sáo lẫn một số những nhạc khí lỗi thời khác,
tỷ như đàn thụ cầm của xứ Lydia, đàn lyre nhiều dây, đàn ‘thất giác’, ‘tam
giác’, đàn ‘sambuca’, và những loại tương tự - những loại nhạc khí tạo hân
hoan khoan khoái cho người nghe, và đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật
cao.
Còn một ý nghĩa khác trong thần thoại cho thấy người Athenes đã sáng chế
ra cây sáo như thế nào rồi lại vất đi, không dùng nữa. Cách giải thích của
họ cũng không phải là không hay khi cho rằng, Nữ thần Athena không ưa
nhạc khí này, vì nó làm cho khuôn mặt trở nên xấu xí; nhưng thêm lý do
nữa, ta còn có thể nói rằng, Nữ thần không chấp nhận cây sáo vì khả năng
tập luyện để thổi sáo không giúp gì cho sự phát triển tâm trí, vả lại, Nữ thần
là biểu tượng của kiến thức và nghệ thuật.
Như thế, ta không chấp nhận những nhạc khí chuyên nghiệp cũng như cách
thức dạy nhạc chuyên nghiệp (khi dùng từ chuyên nghiệp, ta muốn nói đến
những môn được chấp thuận trong những cuộc thi đua), vì người biểu diễn
không tập luyện để trau dồi đức tính mà chỉ để mua vui cho người khác, và
chính đó là điều thô lậu. Vì lý do này, sự biểu diễn loại nhạc như vậy không
phải là cung cách của người tự do mà là của nhạc công chơi nhạc vì tiền.
Kết quả: người chơi nhạc trở nên thô lậu, vì mục đích họ nhắm tới là một
mục đích xấu. Sự thô lậu của người xem có khuynh hướng làm giảm đặc
tính của âm nhạc, và qua đó, làm giảm giá trị của những người chơi nhạc;