ngay từ lúc mới sinh, và có liên quan mật thiết với di truyền từ thế hệ trước.
Về điểm này, bác sĩ đã năm lần bảy lượt hỏi han về bệnh sử gia đình Phi
Minh, sau khi được Cát Niên cho biết bố đẻ cô bé thực ra cũng mắc bệnh
động kinh bẩm sinh, bác sĩ lại càng chắc chắn thêm luận cứ này bởi động
kinh chính là một trong những dấu hiệu điển hình trước khi u tế bào
Glioblastoma trong não phát tác.
Cát Niên thật sự muốn bác sĩ có thể nói thẳng cho cô biết phải làm thế
nào mới cứu được Phi Minh, nhưng ngay đến một bác sĩ dày dạn kinh
nghiệm cũng không thể cho cô một đáp án rõ ràng. Chưa vội nói đến là u
lành hay u ác, nhưng đã phát triển lớn đến như hiện tại, đương nhiên sẽ
chèn ép hệ thần kinh, dẫn đến những phản ứng sức khỏe liên hoàn, như các
cơn đau càng ngày càng thường xuyên, nôn mửa và động kinh, hơn nữa
khối u còn có thể tiếp tục mở rộng, đến khi nó đã chiếm một không gian
nhất định, dù có lành tính cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng, còn hậu quả
đáng sợ của khối u ác tính thì càng không dám tưởng tượng.
Phương án duy nhất trước mắt có lẽ chỉ có thể là phẫu thuật, nếu như
phẫu thuật thành công, hậu phẫu không tái phát thì đó là đại hạnh trong bất
hạnh, nhưng có tái phát hay không thì không ai có thể dự đoán nổi. Càng
khó nghĩ hơn nữa là khối u của Phi Minh nằm ở một vị trí tương đối nguy
hiểm, cũng tức là nguy hiểm trong phẫu thuật sẽ rất lớn, một khi đã phẫu
thuật, cô bé có khả năng phục hồi sức khỏe, nhưng cũng có khả năng chết
ngay trên bàn mổ hoặc để lại di chứng dẫn đến tàn tật suốt đời.
Vị bác sĩ đã hỏi Cát Niên, dù gì cô cũng chỉ là cô đứa bé, cũng không
biết liệu cô có thể đại diện đứa bé đưa ra quyết định liên quan đến tính
mạng này không. Trước vấn đề này, Cát Niên thật sự nhất thời không biết
nói gì. Trên danh nghĩa, anh Tư Niên mới là cha nuôi của Phi Minh, danh
chính ngôn thuận là người giám hộ của cô bé, nhưng năm đó Tạ Tư Niên
đưa ra quyết định nuôi đứa trẻ hoàn toàn là để hoàn thành tâm nguyện của
Cát Niên, trên thực tế anh không hề có bất kỳ quan hệ gì với Phi Minh.