Ngay cả Cát Niên cũng hiếm khi nhớ lại quãng thời gian đó, cô chỉ biết
một chuyện – trên đời có hai thứ vĩnh viễn không bao giờ nghịch chuyển,
một là sinh mệnh, hai là tuổi thanh xuân. Rất nhiều thứ có thể lặp lại, lá cây
khô héo vẫn có thể xanh lại, những thứ quên rồi có thể nhớ lại, nhưng
người chết rồi không thể sống lại, tuổi xuân qua rồi vĩnh viễn không thể trở
lại lần nữa. Vu Vũ không còn nữa, tuổi xuân của Tạ Cát Niên cũng đã chết
từ mười một năm trước. Giờ được ra tù, cô chỉ như một người phụ nữ độc
thân 29 tuổi bình thường, sống một cuộc sống bình thường, những cơn
sóng gió trong quá khứ, những tháng ngày đằng sau song sắt dường như
không in dấu rõ rệt lên cô. Chỉ có điều, mỗi buổi sớm tỉnh dậy, nhìn làn da
vẫn mịn màng qua tấm gương trong phòng tắm lạnh lẽo, đôi mắt ấy nói với
cô rằng, cô giờ đã không còn là cô gái năm nào nữa.
Có một câu cách ngôn về cuộc đời thế này: Thượng đế đóng một cánh
cửa trước mặt bạn thì sẽ mở cho bạn một cánh cửa sổ. Lúc còn trong tù,
mỗi lần nhớ đến câu nói này, Cát Niên đều bật cười. Cánh cửa phòng giam
đóng im lìm, chỉ hở ra một ô cửa sắt hình vuông chừng một tấc, đây chẳng
phải đang chứng minh tính hài hước của Thượng đế hay sao?
Trong tù, những phạm nhân vừa được chuyển đến được gọi là “phạm
mới.” Đây là nhóm người thấp cổ bé họng nhất trong cái thế giới kín mít
này, ngoài việc phải trải qua huấn luyện nhập trại, chịu “giáo dục” từ những
phạm nhân cũ, điều khó vượt qua nhất vẫn là bản thân. Không có ai vốn
được tự do mà lại không cảm thấy nỗi tuyệt vọng như đất trời sụp đổ ấy sau
khi vào tù, mình đã không còn là người bình thường nữa, không còn là một
người được tôn trọng nữa, thậm chí, không còn là một con người nữa.
Mười hai con người bị nhét chung vào một phòng giam chật hẹp, ngày nào
cũng là những chỉ tiêu lao động nhiều đến đứt hơi, cuộc sống khó thấy mặt
trời, bạn tù nham hiểm, quản giáo hà khắc… “phạm mới” vừa nhập trại đã
rửa mặt bằng nước mắt, thậm chí không ít người tìm đến cái chết.