những con tiểu hổ ấy cứ sục mõm vào đĩa thức ăn của chúng tôi một cách
vô cùng ngang ngược. So với những con mèo khả ố ở trường, cô nàng
Kisulia (tức Miu con) ở nhà bà nhà văn Anna đúng là thiên thần. Những
con mèo quỷ cái ấy được phép làm mọi chuyện. Dĩ nhiên phải hiểu rằng
chúng chỉ được phép lộng hành với học viên chó chúng tôi. Nói cách khác,
chúng được khuyến khích gây hấn với chúng tôi càng nhiều càng tốt. Có lẽ
các bạn sẽ nghĩ: phương pháp gì mà kỳ quặc! Tôi đồng ý. Không phải con
chó nào cũng chịu nổi trò chọc điên này. Ngoại trừ chó dẫn đường.
Mặt khác, thói quen chịu đựng những trò quái của lũ mèo rất hữu ích cho
tôi trong thực tế công việc sau này. Hồi học ở trường, nếu không được lũ
mèo hiểm ác “tôi luyện” cho đức tính ấy, hẳn về sau tôi sẽ gặp rất nhiều khó
khăn trong công việc ở đời thường. Thảo nào mọi người thường nói: “Thao
trường đổ mồ hôi, chiến trường đỡ đổ máu”.
Ở đây cũng cần trung thực mà nói rằng không phải mọi ứng viên đều có thể
vượt qua thử thách một cách thành công. Sau khi qua khảo nghiệm bước
đầu, chỉ có khoảng 30-40% số chó được chọn để đào tạo thành chó dẫn
đường cho người mù. Việc lựa chọn và sau đó luyện tập chó dẫn đường do
những huấn luyện viên giàu kinh nghiệm thực hiện. Sau khi hoàn thành
khóa học, các học viên chó chúng tôi phải trả thi. Mọi chuyện đều giống
như ở loài người: nếu thi không đạt yêu cầu thì phải ôn tập tiếp để thi lại.
Thật đáng tiếc, không phải toàn bộ học viên chó trong trường đều giỏi và
xuất sắc, mà cũng có một số học trò… yếu kém.
Chó dẫn đường được tuyển chọn riêng cho từng đối tượng. Tùy tình hình và
tình trạng thực tế của mỗi người khiếm thị, các thầy cô huấn luyện viên sẽ
chọn riêng cho người đó một con chó dẫn đường phù hợp. Sau khi nhận
được tiêu chuẩn có chó dẫn đường, người khiếm thị đến trường ăn ở trong
vòng hai hoặc ba tuần để tập luyện, thực hành với “phụ tá” tương lai của
mình, học cách chăm sóc chó, tiếp thu những kiến thức thú y cơ bản và
cũng đơn giản là để tập làm quen với con chó ấy về mọi mặt.