con chó như thế đều là những nhà tâm lý học tuyệt vời”. Dẫn chứng đặc
trưng của loại chó này: một con chó dường như đang lim dim ngủ, hoàn
toàn không để ý gì đến đám đông đi ngang qua nó, nhưng rất nhanh chóng
ngóc đầu dậy khi nhận thấy rằng có thể sẽ có miếng ăn. Con chó đi lại gần
người mà nó chọn (một bà lão, ông lão hay một người phụ nữ phúc hậu nào
đó), vươn cổ ra, hất cao mũi tỏ ra mừng rỡ, vẫy đuôi lia lịa và trong rất
nhiều trường hợp, nó sẽ nhận được thức ăn từ người đó. Những con chó
như thế không chỉ rất thính nhạy với mùi thức ăn mà còn cảm nhận rất
chính xác người nào có thể cho chúng ăn, người nào không.
Nhóm thứ ba gồm những con chó có giao tiếp với người ở mức độ nào đó,
nhưng sự tương tác xã hội của chúng hầu như chỉ hướng vào những con chó
hoang khác. Phương thức kiếm ăn chính của chúng là nhặt nhạnh những
thức ăn thừa rơi vãi trên đường phố và trong các thùng rác không đậy nắp ở
ngoài trời. Thời trước, chó hoang kiếm ăn rất khó khăn, vì thức ăn thừa
không có nhiều, các thùng rác lại bị quản lý chặt chẽ, thu dọn thường
xuyên, do đó số lượng bầy đàn không lớn, rất nhiều chó hoang phải bỏ
mạng vì đói, vì bị săn lùng, tiêu diệt. Nhưng đến thời “hậu xô viết”, chính
quyền ngừng hẳn việc săn lùng, tiêu diệt chó hoang, còn trong các thùng rác
thì đầy ngập thức ăn thừa, toàn những thứ ngon bổ. Từ đó, chó hoang bắt
đầu có được cuộc đời no đủ.
Nhóm thứ tư theo phân loại của Andrey Poyarkov bao gồm những con chó
hoang man dã. Tuy sống trong thành phố nhưng chúng hoàn toàn không
tiếp xúc với con người. Chúng vẫn biết đến người, nhưng cho rằng con
người là loài động vật nguy hiểm. Chúng kiểm soát một lãnh thổ khá rộng
lớn và trở thành thú săn mồi gần như chính cống. Chúng săn chuột nhắt,
chuột cống, chim, sóc, thậm chí cả mèo. Chúng sống trong thành phố,
nhưng thường tập trung ở những khu vực gần các cụm công nghiệp hay các
công viên rừng. Gần như mọi sinh hoạt của chúng đều diễn ra vào ban đêm.
Chúng chỉ đi ra ngoài đường khi nào trên đường thật vắng người.