Điều này gợi lên những câu hỏi lớn hơn: Khi nào thì điểm yếu của chúng ta
sẽ thật sự trở thành điểm mạnh? Liệu có tốt hơn khi là một kẻ xuất chúng vừa có
cả khuyết tật lẫn siêu năng lực? Hay cuộc đời chúng ta sẽ tốt hơn nếu là người
bình thường? Chúng ta thường được khuyên hãy thận trọng, nhưng liệu cứ làm
theo những điều "đúng đắn" và không mạo hiểm ở những cực điểm có là con
đường dẫn đến thành công — hay chỉ là cách để mắc kẹt với sự tầm thường?
Để giải quyết câu đố này, trước hết hãy nhìn vào những người luôn tuân theo
các quy tắc và làm đúng mọi thứ. Hãy xét các thủ khoa ở trường trung học. Đó là
điều tất cả các bậc cha mẹ đều mong ước con mình đạt được. Các bà mẹ thường
bảo rằng cứ học hành chăm chỉ là con sẽ thành công trong cuộc sống. Và mẹ thì
thường nói đúng.
Nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Karen Arnold tại Đại học Boston đã theo dõi 81 học sinh tốt nghiệp thủ khoa
và á khoa ở các trường trung học để xem nhóm dẫn đầu về thành tích học tập này
sau đó ra sao. 95% số học sinh đó về sau tiếp tục học tập và tốt nghiệp đại học,
điểm trung bình 3,6 (với 4 là số điểm tối đa) — đến năm 1994, 60% đã có bằng
sau đại học. Thành công ở trung học dự báo thành công ở đại học là chuyện
không phải bàn. Gần 90% hiện đang làm nghề có chuyên môn, với 40% làm các
công việc bậc cao nhất. Họ rất đáng tin cậy, ổn định, dễ thích nghi, và đa số đều
có cuộc sống tốt đẹp.
Nhưng có bao nhiêu người trong số những học sinh số 1 tại trường trung học
thay đổi thế giới này, điều hành thế giới này, hay để lại dấu ấn gì đó đặc biệt trên
khắp địa cầu? Câu trả lời gần như quá rõ ràng: 0.
Khi bàn về con đường thành công của những đối tượng đang quan sát,
Karen Arnold nói: "Mặc dù hầu hết đều là những người thành công trong sự
nghiệp, phần lớn các cựu thủ khoa của trường trung học đều không góp mặt ở các
vị trí đầu bảng xếp hạng trên các đấu trường dành cho người trưởng thành."
Trong một buổi phỏng vấn khác, Arnold nói: "Các thủ khoa thường không phải là