Trong khi đó, các thủ khoa lại rất thực dụng. Họ tuân theo các quy tắc và đề cao
điểm A hơn là những kỹ năng và sự thấu hiểu sâu sắc.
Trường học có những quy tắc rõ ràng. Cuộc đời thường lại không. Khi
không có một con đường rõ ràng nào để đi theo, những người có thành tích học
tập cao gục ngã.
Nghiên cứu của Shawn Achor tại Harvard cho thấy điểm số đại học của một
người cũng không dự đoán được cuộc đời sau này tốt gì hơn cách tiên đoán bằng
đổ xí ngầu. Một cuộc nghiên cứu hơn 700 triệu phú Mỹ cũng cho thấy mức điểm
trung bình của họ chỉ ở mức 2,9.
Tuân theo quy tắc không tạo ra thành công; nó chỉ loại bỏ những cực điểm
— cả cực tốt lẫn cực xấu. Tuy điều này trông cũng tốt vì loại bỏ được rủi ro tiêu
cực, nó cũng đồng thời loại bỏ luôn cả những thành tựu long trời lở đất. Giống
như thể đặt một bộ điều tiết vào động cơ ngăn cho xe của bạn không vượt quá tốc
độ 55; bạn sẽ ít có khả năng đụng chết người, nhưng cũng sẽ không lập được kỷ
lục nào về tốc độ.
Vậy, nếu những người chơi theo luật không kết thúc ở vị trí dẫn đầu, thì ai sẽ
về nhất?
Winston Churchill lẽ ra đã không bao giờ được làm thủ tướng Anh. Ông
không phải dạng người luôn "làm điều đúng," và thật sốc khi ông lại được chọn.
Những người đương thời biết ông có tài — nhưng ông cũng đồng thời là một
khẩu đại pháo hoang tưởng khó đoán và khó đối phó.
Leo từng bậc trong hệ thống chính trị Anh một cách vững chãi (ông được
bầu vào Quốc hội năm 26 tuổi), Churchill dần dà được đánh giá là thiếu sót và
không phù hợp với những vị trí cao nhất. Cho đến những năm 1930, sự nghiệp
của ông coi như đã xong phim. Theo nhiều cách ví von, ông như một sự đối lập
hoàn hảo với Neville Chamberlain, một nhà lãnh đạo luôn làm điều đúng đắn và
là hình mẫu cho vị trí thủ tướng.