Người Mỹ đang sơ suất. Nếu họ vẫn cứ như thế, quân Đức chắc chắn sẽ
giành chiến thắng. Đó là năm 1944 và phe phát-xít đã chiếm đóng nước Pháp
được 4 năm. Họ có điệp viên ở khắp mọi nơi. Người Mỹ nghĩ rằng sự chuẩn bị
của họ không bị chú ý, nhưng người Đức đã theo sát nhất cử nhất động và luôn đi
trước họ một bước.
Một nhóm lính Mỹ đã chôm một thùng rượu từ một cửa hàng địa phương.
Họ không nhận ra rằng, người chủ cửa hàng là một kẻ bơm tin cho phát-xít thuộc
mạng lưới điệp viên Đức. Số khác đã chú ý đến binh lính Mỹ trong các quán bia.
Thậm chí khi lính Mỹ không đeo phù hiệu quân chủng, quân tình báo Đức vẫn
truy ra được; họ đã nghiên cứu lính Mỹ rất hiệu quả để dễ dàng xác định được
mỗi toán lính Mỹ thuộc bộ phận nào thông qua những bài hát họ rống khi say.
Quân phát-xít không chỉ thụ động thu thập những thông tin này. Họ còn biết
cách sử dụng rất hiệu quả nữa. Dựa trên thông tin về các đơn vị lính bị nhận diện
ở trong thành phố, về noi xe jeep của tướng Mỹ (xác định bởi số ngôi sao trên
tấm chắn) bị trông thấy, và từ hình ảnh do thám trên không cho thấy chuyển động
của pháo binh Mỹ, người Đức đã điều chỉnh được kế hoạch để đảm bảo chiến
thắng. Biết được quân Mỹ có một nhóm thiết giáp đang tiến đến hướng của mình,
tướng phát-xít Ramcke đã điều động hàng tá súng chống tăng 88mm để gây bất
ngờ cho cuộc đổ bộ của quân Mỹ.
Nhưng bất ngờ thực sự đang chờ đón quân Đức. Bởi vì rất nhiều thông tin
tình báo mà họ thu thập được phần lớn — hay toàn bộ — đều là giả.
Người Mỹ biết tay chủ quán là kẻ báo tin cho phát-xít. Và họ biết rõ ông ta
sẽ giận dữ báo cáo vụ chôm rượu cho người Đức, để lộ sự hiện diện của họ.
Vâng, đúng là có những người Mỹ uống rượu trong quán bia, nhưng thực ra tổng
cộng chỉ có 10 người. Họ đeo phù hiệu của các binh đoàn khác nhau và hát vang
những bài hát của từng đơn vị. Họ đi từ quán này đến quán khác, thay đổi phù
hiệu và thay đổi bài hát, tạo ra ảo ảnh về sự hiện diện mạnh mẽ của quân Mỹ
trong khi chẳng hề có gì. Vụ tướng Mỹ đến thị trấn cũng không khó dàn dựng.