Albert Einstein và Charlie Chaplin cùng tham dự buổi công chiếu bộ phim
City Lights. Đám đông náo loạn khi nhìn thấy 2 siêu sao, và Chaplin quay sang
nói với nhà khoa học vĩ đại, "Họ tán dương tôi bởi vì họ đều có thể hiểu được tôi,
còn họ tán dương ngài bởi vì không ai hiểu được ngài."
Thật chuẩn làm sao. Cứ đi hỏi người ta Einstein đã làm được gì và họ sẽ đều
trả lời "Thuyết tương đối." (Rồi hỏi tiếp họ thuyết tương đối là gì và bạn sẽ nhận
được một tràng im lặng sượng sùng. Hầu hết mọi người đều chỉ hiểu nó là thứ mà
ai cũng biết là rất quan trọng mà thôi.) Như Walter Isaacson từng nói trong quyển
tiêu sử tuyệt vời của mình, Einstein "đã nghĩ ra một lý thuyết lượng tử mang tính
cách mạng về ánh sáng, giúp chứng minh sự tồn tại của các nguyên tử, giải thích
chuyển động Brown, nâng tầm khái niệm về không gian và thời gian, và tạo ra
thứ sẽ trở thành phương trình khoa học nổi tiếng nhất." Công trình của ông có
ảnh hưởng đến nỗi mọi người đều biết rằng một ngày nào đó ông sẽ giành được
giải Nobel — nhưng ông đã đạt được nhiều thành tựu đến nỗi người ta không
chắc thành tựu nào mới là thứ giúp ông đạt giải. Khi ông được trao giải vào năm
1921, trớ trêu thay, giải ấy không hề liên quan đến thuyết tương đối. Công trình
ông được trao giải lại là thành tựu ông hoàn thành chỉ trong một năm 1905, khi
chỉ mới 26 tuổi. (Không quá tệ với một người từng bị từ chối nghĩa vụ quân sự vì
bị chảy mồ hôi chân.)
Không giống như Newton, Einstein rất lịch thiệp, tin tưởng vào công lý xã
hội, và có gia đình con cái đầy đủ. Nhưng cũng như vị tiên nhân ẩn dật, ông sống
trong một thế giới đầy ý tưởng trong đầu mình. Rõ ràng, ông là một thiên tài,
nhưng siêu năng lực thực sự của ông chính là lượng thời gian và nỗ lực khổng lồ
tập trung cho các nghiên cứu của mình. Dù được vây quanh bởi danh tiếng, bạn
bè và gia đình, ông vẫn sống một cuộc đời tách biệt, thích tập trung khám phá ý
tưởng của mình hơn. Điều này rõ ràng đã được đền đáp bằng một sự nghiệp rất
thành công.