chuyện không hề thực tế chút nào trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, nơi người
khác sẵn sàng chạy đua 24/7. Chúng ta muốn có lựa chọn và sự linh hoạt. Chúng
ta đã có được những thứ ấy rồi. Giờ thì không còn giới hạn nữa. Ta không thể cứ
nhìn xung quanh để quyết định xem khi nào thì nên dừng lại. Thế giới sẽ luôn
bảo ta tiếp tục tiến lên.
Chuẩn bị tinh thần đi. Tôi sẽ nói một điều không hề vui vẻ chút nào: Ta phải
quyết định. Thế giới không phân định rõ ràng đâu. Ta phải tự làm chuyện đó. Ta
cần phải tự hỏi Tôi đang muốn gì? Bằng không, ta chỉ đang cố đạt lấy những thứ
họ muốn. Xin lỗi khi phải nói thẳng, nhưng trong thế giới hiện đại, "có tất cả"
không hề khả thi khi những người khác mới là người xác định giới hạn trong mỗi
lĩnh vực. Chúng ta từng trông chờ thế giới nói cho mình biết khi nào thì mình đã
xong việc, nhưng giờ sự cân bằng phải đến từ phía chính bản thân ta. Bằng
không, ta sẽ có nguy cơ kết cục với sự hối hận lớn nhất trước khi chết: không có
đủ dũng khí sống cuộc đời mình muốn, thay vì vậy lại sống cuộc đời mà người
khác đã định ra.
Doanh nhân Ken Hakuta đã nói, "Thành công là thứ bạn sẽ đối mặt liên tục
trong kinh doanh. Bạn sẽ luôn phải diễn giải nó thông qua thứ gì đó, và thứ đó
nên là mục tiêu và mục đích của chính bạn."
Barry Schwartz cho rằng chúng ta phải "chọn" thay vì "lựa." Lựa nghĩa là
quyết định trong những phương án sẵn có, khiến ta rơi vào trạng thái đối lập giả
tạo do những phương án ta thấy trước mắt tạo ra. Ngược lại, khi chọn, ta "đủ cẩn
trọng để nhận định rằng có lẽ không có một phương án sẵn có nào đủ thỏa mãn,
và nếu muốn giải pháp thay thế đúng đắn, ta có lẽ phải tự tạo ra nó."
Vậy những hỗn hợp nào khiến bạn cảm thấy mình đã có đủ? Những thứ nào
sẽ triệt tiêu nhu cầu muốn có thêm nhiều hơn nữa? Điều gì, trong thế giới vô hạn
cứ mãi kêu gào lựa chọn này, khiến cho bạn vẫn có thể tựa lưng vào bàn và bình
tĩnh nói "Tôi ổn, cảm ơn"? Tác giả Just Enough đã thực hiện hơn 60 cuộc phỏng
vấn với những người nhiều thành tựu nghề nghiệp và khảo sát 90 nhà điều hành
cấp cao. Hóa ra hầu hết cũng không biết câu trả lời cho những câu hỏi trên. Điều
thú vị chính là họ liên tục phạm phải sai lầm, và từ việc quan sát những sai lầm
đó, nhà nghiên cứu đã có thể rút ra được điều chúng ta cần trong cuộc sống và
cách tốt nhất để đạt được nó.
Chúng ta đều biết cuộc sống tốt đẹp có ý nghĩa hơn tiền bạc... Nhưng không
ai biết rõ cuộc sống tốt đẹp có những gì và làm thế nào để có được những thứ ấy.