Chương 5 KHI NGƯỜI TA LỚN
Bạn đọc thân mến của tôi, khi các bạn đọc tới dòng chữ này thì thú thật tôi
vẫn còn nuôi trong lòng một bí mật. Chắc các bạn cũng thấy cuốn sách mà
tôi đang viết và các bạn đang đọc không hề giống bất cứ cuốn sách nào tôi đã
từng viết và các bạn đã từng đọc trước đây.
Tôi đã định giữ kín bí mật này, kể cả khi cuốn sách đã kết thúc và nhà xuất
bản đã in ra. Nhưng vì các bạn đã kiên nhẫn đọc tới đây, đã nộp cho cuốn
sách một khoảng thời gian như người ta nộp tiền cho Cục thuế thì tôi thấy
các bạn không có lý do gì không được hưởng quyền được thông tin về tác
phẩm mà các bạn đã bỏ tiền ra mua và bỏ thì giờ ra đọc.
Sẵn đây, tôi tiết lộ luôn: thực ra cái tôi đang viết không phải là một cuốn tiểu
thuyết.
Thực tế đây là một bản tham luận mà tôi định sẽ trình bày trong cuộc hội
thảo Trẻ em như một thế giới do Ủy ban UNESCO tại Việt Nam phối hợp
với Bộ giáo dục tổ chức, với sự góp mặt của các nhà nghiên cứu giáo dục,
các chuyên gia tư vấn tâm lý, các nhà báo phụ trách mảng học đường và giáo
dục gia đình, cuối cùng là các nhà văn viết cho trẻ em.
Tất nhiên đây là bản tham luận sẽ không bao giờ được đọc trên diễn đàn,
thậm chí không được gửi tới cuộc hội thảo theo đúng kế hoạch trước đó. Lý
do tại sao thì tôi sẽ nói sau.
Mà thôi, tôi nói ngay đây.
Có nhiều lý do.
Mỗi lý do mang một hình hài cụ thể.
Lý do đầu tiên mang hình hài của thằng Hải cò.
Gọi thằng Hải cò là gọi theo thói quen, gọi theo cách tôi vẫn gọi nó vào cái
thời chúng tôi tám tuổi.
Bây giờ, đúng ra tôi phải gọi Hải cò là ông Hải cò. Như vậy cho nó lịch sự.
Vì Hải cò bây giờ đã nhiều tuổi lắm rồi, đại khái bằng cái mức 8 tuổi nhân
cho 6, tức là khoảng trên dưới 50, nếu chúng ta vẫn quyết tin theo bản cửu
chương.