Nỗi buồn về sự ra đi của lũ chó hoang chồng lên nỗi buồn về sự ra đi của con
Tủn đã khiến một chú bé tám tuổi phải kiễng chân lên để tập làm người lớn.
Tôi nghĩ ngợi hơn, sầu tư hơn, và nhường như không còn háo hức sắp xếp lại
thế giới nữa. Tôi biết mình không thể khơi dòng đời theo bản vẽ trong đầu
tôi, và nếu tôi có cố khơi theo hướng này thì dòng đời vẫn chảy theo hướng
khác. Thôi, chuyện đó hẵng để sau này, mặc dù khi trở thành người lớn
chúng ta thường có xu hướng bơi theo những dòng chảy đã được người khác
khơi sẵn, như xe cộ luôn tuân thủ luật giao thông, chỉ để được an toàn.
Bên cạnh cái dở, người lớn tất nhiên cũng có cái hay của người lớn. Tôi là
người lớn, nếu tôi không nghĩ vậy có khác gì tôi phủ định chính mình.
Nhưng mà đó là sự thật. Trẻ con cũng yêu ba mẹ, cũng biết ba mẹ yêu mình
nhưng đón nhận sự chăm sóc đó một cách hồn nhiên, chả nghĩ ngợi gì. Lòng
hiếu thảo đối với ba mẹ, chỉ người lớn mới cảm nhận đầy đủ. Đặc biệt khi
người lớn đó sinh con, nuôi con và vất vả vì con thì sự cảm nhận đó càng sâu
sắc hơn nữa. Vì vậy mà các bậc làm cha làm mẹ không nên lo lắng thái quá (
khi tôi khẳng định rằng mọi đứa trẻ trên thế giới này đều từng oán trách ba
mẹ) vì những đứa con oán trách ba mẹ nhiều nhất sau này sẽ là những đứa
con biết ơn ba mẹ nhiều nhất, trong đó có cả lý do là hồi nhỏ đã trót oán
trách ba mẹ nhiều quá.
Người lớn còn có cái hay nữa là thỉnh thoảng vờ vịt một cách đáng yêu. Như
ông giám đốc Hải cò và bà hiệu trưởng Tủn…
Khi cuốn sách này phát hành được hai ngày, tôi chết điếng người khi nhác
thấy chiếc xe hơi quen thuộc của Hải cò đỗ xịch trước cửa.
Một mình Hải cò tìm tới gây sự tôi đã hãi, đằng này lục tục leo xuống xe
ngoài Hải cò còn có thêm con Tủn.
Ôm kè kè một chồng sách bên hông như thể ôm bom, cả hai xồng xộc bước
vào nhà.
Tôi vội vã lao ra chặn ngay cửa, như muốn dùng thân mình lấp nỗi nguy
hiểm:
- Này, này… cậu…
Trái với sự mong đợi của tôi, Hải cò toét miệng cười:
- Tụi này đến chúc mừng cậu đây.