- Cảm ơn! Katzenelenbogen hét lên.
- ... nhưng cái đó khiến các anh không còn cảm thấy chính các
anh thuộc nhóm thiểu số nữa, cái đó giúp các anh chút ít trong việc
mắt nhắm mắt mở về cảm giác tha hóa của chính các anh. Nếu ông nội
các anh là “chủ nô”, vậy thì các anh đúng là Mỹ một trăm phần trăm
rồi. Các anh khiến tôi đau cả bụng vì mặc cảm tội lỗi của các anh.
Năm 1963, tôi đang ở chỗ ông luật sư người Israel của tôi tại New
York đúng lúc ti vi báo tin cái chết của Giáo hoàng Jean XXIII. Ở đấy
chỉ toàn người Do Thái, và họ khóc như mưa, cứ như là người ta vừa
đóng đinh câu rút đức Chúa Jesus Christ của họ vậy...
“Anh ta say”, Saint-Robert trịnh trọng khẳng định, và có phần
đúng, dẫu tôi chẳng bao giờ chạm đến một giọt rượu, ma túy cũng
không, chất gây ảo giác L.S.D. cũng không, bởi vì tôi đã đàn đúm với
chính mình quá nhiều đến mức không còn có thể tự cho phép mình
tách khỏi một sự quyến luyến dễ chịu như vậy nhờ rượu hay thuốc
phiện. Nhưng tôi say vì bất bình. Vả chăng người ta trở thành nhà văn
như thế đấy.
Không khí trở nên lạnh nhạt đến mức chúng tôi quyết định ăn tối
ở quán Bistrot để khôi phục lại tình bạn. Cuộc trò chuyện ở địa điểm
cao cấp này của Hollywood lúc đầu được duy trì ở mức độ cao nhất và
không bao giờ tụt xuống dưới mức 400.000 đô la cộng với mười phần
trăm gross, tức là mười phần trăm thu nhập ròng. Sau đó Saint-Robert,
cứ nghe tên anh ta thì biết, là người Do Thái, bắt đầu nổi giận vì
những cuộc biểu tình chống Do Thái ở Harlem. Từ khi bộ phận tiên
phong của phong trào da đen tấn công người Do Thái, không phải với
danh nghĩa là người da trắng mà với danh nghĩa người Do Thái, một
trong những người Do Thái đến lượt mình bắt đầu trở nên phân biệt
chủng tộc. Đấy là cái lối backlash nổi tiếng, cú sốc dội ngược. Thật
đáng khóc, như mẹ tôi vẫn nói, tuy bà chẳng bao giờ khóc.
Trong chuyến đi gần đây nhất, tôi đã gặp đúng tại nhà Lloyd
Katzenelenbogen anh chàng da đen chống Do Thái đầu tiên của tôi.