- Chuyện là về những người đình công ở nhà máy Renault.
Tôi chờ. Bà hơi ngập ngừng.
- Đảng Cộng sản muốn chấm dứt cuộc tổng đình công. Quỹ hỗ
trợ đã cạn. Nhưng người đình công ở nhà máy Renault chỉ còn tự dựa
vào sức mình... còn vợ con, ở nhà, bắt đầu không thể chịu đựng thêm
nữa... Ông có thể, cùng với các bạn ông...
Tôi nghe rõ: cùng với các bạn ông.
... góp quỹ để giúp họ trụ vững không?
Tôi mất mấy giây mói hiểu ra, và rồi tôi có cảm giác nếu tôi cứ
tiếp tục nhìn bà thì đôi mắt tôi đến văng ra mất. Tôi đang đứng trước
một con người đến với tôi, cậy vào sự ngây thơ thiêng liêng vốn từ xa
xưa vẫn đảm bảo cho sự sống còn của giống nòi. Ở đấy có một lòng
tin vào con người, lòng tin ấy vượt qua hết mọi ranh giới chia cắt và
mọi phạm trù. Bởi vì tóm lại thì người đàn bà này biết tôi. Trước mắt
bà, tôi hiện ra với tất cả dấu hiệu bên ngoài của giới tư sản. Một người
rõ ràng là theo chủ nghĩa de Gaulle... Vậy là bà không hề lạ gì sự ô
nhục của tôi, bà biết rõ rằng tôi đã bị mọi quy chế hiện hành loại ra
khỏi cái trò “tất cả chúng ta là những người Do Thái Đức” mà bọn
sinh viên Pháp đang hô vang trên các đường phố Paris. Và bà đến xin
tôi, chính tôi, cùng với các bạn tôi góp quỹ giúp những người đình
công ở nhà máy Renault trụ vững!
Có thể bà sẽ nghĩ là tôi làm quá lên, nhưng nước mắt tôi dâng
trào. Tất nhiên rồi, chẳng có nghĩa gì cả, những giọt nước mắt: chúng
lẳng lơ lắm mà. Nhưng người đàn bà này, bất chấp mọi dấu hiệu bên
ngoài của sự thấp hèn ở tôi, đã vượt lên xa hơn các dấu hiệu. Khía
cạnh hoàn toàn phi lý trong hành động quyên góp của bà bắt nguồn tự
sự thấu hiểu bản năng nhất và sâu kín nhất, sự thấu hiểu đột nhiên tìm
lại đuợc ở cái cõi bên kia nơi không gì lay chuyển nổi niềm tin vào
con người của chúng ta. Không chờ tôi trả lời, bà đã viết nguệch ngoạc
mấy chữ gì đó lên một mẩu giấy và đưa cho tôi. Tôi đọc: C.L.E.O.P.