đào mồ chôn nước Mỹ cũng đang chuẩn bị chính đám tang của mình
đấy.
Ở khách sạn, đi qua những hành lang trống hoang, trước cánh cửa
mở rộng, tôi chứng kiến một cảnh tượng cực xấu. Một người đàn bà to
béo đang ngồi trên giường, mặc quần lót và đeo nịt vú, mặt mày đẫm
nước mắt, đang hét lên với một người nào đó mà tôi không trông thấy,
nhưng sự hiện diện vô hình khiến tôi chắc hẳn đó phải là một đức ông
chồng Mỹ loại hoàn hảo.
- I want to go home. We want to get out of here. Em muốn trở về
nhà. Em muốn đi khỏi đây.
- Sure, baby, sure. We’ll be alright, we are getting out tomorrow.
We’ll be alright. Hẳn rồi, cưng ơi, hẳn rồi. Chúng ta sẽ thoát khỏi đây.
Mọi việc sẽ ổn cả mà.
Tuy nhiên, nghĩ rằng sẽ có mối nguy hiểm nào đó là hoàn toàn
ngu ngốc. Tiếng đồn rầm rì trong hành lang rằng bọn da đen sẽ “đổ
xuống” đốt cháy khách sạn Hilton, bịt hết các lối thoát, “hun ngạt” tất
cả khách như hun chuột, là một ý tưởng hay ho ở chỗ chính vì đó là
một ý tưởng của loài chuột. Trong tất cả những chuyện này có một nỗi
hoảng sợ bên trong không liên quan gì đến sự tồn tại một mối đe dọa
bất kỳ nào bên ngoài. Cái đang hiển hiện ra là phức cảm tội lỗi, mẹ đẻ
của mọi nỗi lo sợ. Nhưng trên tất cả, cái đang tác động, đó là hiện
tượng khi cái quen thuộc đột nhiên trở thành hoàn toàn xa lạ. Nước
Mỹ vốn biết rõ những người da đen “của mình”, đột nhiên không nhận
ra được họ nữa, và nỗi sợ ập đến. Bạn có biết câu chuyện anh chàng
thủy binh Dybienko, người bảo vệ trung thành cậu con trai nhỏ tuổi
của Sa hoàng, nhân vật kế vị cuối cùng ngai vàng toàn Nga? Anh
chàng thủy binh này bao nhiêu năm chăm nom vị con vua với một
lòng trung thành đáng cảm động và được hoàng hậu hoàn toàn tin cậy.
Lúc xảy ra tình hình xáo trộn, trong tòa lâu đài nơi gia đình Sa hoàng
bị tạm quản chế, một người trong đám tùy tùng bất ngờ bước vào
phòng thái tử và thấy anh chàng thủy binh đang ngự chễm chệ trên