Ở nhà Red, đã có khoảng chục người, một nửa số phụ nữ ăn mặc
theo lối châu Phi, và không đội tóc giả. Suốt mười năm ở Hoa Kỳ tôi
chưa bao giờ thấy phụ nữ da đen Mỹ không đội tóc giả. Tôi đã yêu
những người phụ nữ da đen mà không hề ngờ rằng những suối tóc
bóng mượt đẹp đẽ của họ được nhập từ châu Á sang, qua đường Hồng
Kông. Cho đến tận thời gian gần đây, và suốt bao thế hệ, tấn bi kịch
lớn của phụ nữ da đen Mỹ là mái tóc xoăn của họ “mà không ai nhìn
được”.
Người ta đón nhận tôi với một thoáng mỉa mai. Trong không khí
phảng phất một chút kiêu hãnh. Có cái khía cạnh hơi bảo bọc và chế
giễu như khi người ta đón tiếp một anh chàng dân sự lạc vào phòng ăn
của các đơn vị đang ở tiền tuyến.
Red đến sau tôi mười phút. Bây giờ anh ta đã là một người đàn
ông bốn mươi sáu tuổi nhưng chỉ có khuôn mặt là hơi in hằn dấu vết
của hai mươi năm đấu tranh cho phong trào da đen: sức mạnh và vóc
dáng thân hình gợi nhớ bao thế kỷ gánh nặng và “hiệu suất” thể xác,
manpower theo nghĩa đen của từ ấy, không hề thay đổi so với thời
thanh xuân của chúng tôi. Một thứ “vật liệu sống”... Một trong những
con người mà bề rộng của đôi vai và cái vẻ rắn thành “khối” của thân
hình cùng vòng hông khiến ta thấy anh ta có vẻ nhỏ bé hơn thân xác
cao lớn của anh ta. Các đường nét ở anh ta có mất đi ít nhiều vẻ thanh
tú, nhưng không phải là đã phị ra: đơn giản là chúng đã trở nên rắn rỏi
theo một cách khác, không phải do sự phát triển ngẫu nhiên của các cơ
bắp và xương cốt, mà là rắn rỏi qua biểu hiện... Anh ta đang lo lắng:
vợ anh ta sắp đẻ. Anh ta sợ người ta đốt bệnh viện.
- Anh hiểu đấy, dễ ợt thôi mà: cho bọn cảnh sát thiêu trụi bệnh
viện, rồi sau đó bảo rằng chính chúng tôi đã đốt...
Tiếng Pháp của anh ta chỉ hơi cùn đi tí tẹo.
- Dẫu sao họ cũng không làm chuyện đó đâu, Red.
- Không, hẳn là chúng không làm chuyện đó. Nhưng đấy cũng là
một ý tưởng, đúng không?