hiện thực mà xuất phát từ biểu tượng.
Khi một nhà tư tưởng loại đó xây dựng đạo đức mà pháp quyền không phải
từ những quan hệ xã hội hiện thực của những con người xung quanh mình,
mà là từ khái niệm hay từ cái gọi là những yếu tố giản đơn nhất "của xã
hội", thì ông ta dùng vật liệu gì cho công cuộc xây dựng đó ? Hiển nhiên là
có hai loại vật liệu : một là, những tàn dư nghèo nàn của nội dung hiện thực
có thể còn sót lại trong những trừu tượng đã được dùng làm cơ sở ; và hai
là, cái nội dung mà nhà tư tưởng của chúng ta rút từ trong ý thức của bản
thân ra để đưa vào những cái ấy. ông ta tìm thấy được cái gì trong ý thức
của ông ta ? Phần lớn là những quan điểm về đạo đức và pháp lý, những
quan điểm này là biểu hiện ít nhiều phù hợp, - khẳng định hay phủ định,
ủng hộ hay phản đối, - của những điều kiện xã hội và chính trị trong đó ông
ta sống ; ngoài ra, có thể là những quan niệm mượn từ trong những sách
báo tương ứng ; và cuối cùng, có thể là những ý kiến kỳ cục của cá nhân
ông ta. Dù cho nhà tư tưởng của chúng ta có làm gì đi nữa thì hiện thực lịch
sử mà ông ta đã nép ra khỏi cửa lớn bây giờ lại trở vào bằng cửa sổ, và
trong khi ông ta tin là đã phác ra được một học thuyết về đạo đức và pháp
quyền cho tất cả các thế giới và tất cả các thời đại, thì trên thực tế ông ta
chỉ tạo ra được một hình ảnh méo mó, - vì bị rách khỏi cơ sở hiện thực của
nó, - lộn ngược như trong một tấm gương lõm, của những trào lưu bảo thủ
hoặc cách mạng trong thời đại ông ta.
Vậy là ông Đuy-rinh phân chia xã hội thành những yếu tố giản đơn nhất, và
làm như vậy ông thấy rằng cái xã hội giản đơn nhất ít ra cũng gồm có hai
người. Với hai người này, ông Đuy-rinh bắt đầu vận dụng theo kiểu định
đề. Thế là cái định đề cơ bản của đạo đức xuất hiện một cách tự nhiên :
"Hai ý chí con người, với tư cách là những ý chí như vậy, đều hoàn toàn
bình đẳng với nhau, và lúc đầu, không một bên nào có thể đưa ra một yêu
cầu tích cực nào đối với bên kia". Điều đó nói lên "đặc điểm của hình thức
cơ bản của sự công bằng về đạo đức", cũng như của sự công bằng của pháp
lý, vì "để phát triển những khái niệm pháp lý cơ bản, chúng ta chỉ cần đến
mối quan hệ hoàn toàn đơn giản và sơ đẳng giữa hai người".
Hai người hay hai ý chí con người, với tư cách là như vậy, đều hoàn toàn