Frederick Engels
Chống Duhring
Phần thứ hai
Kinh tế chính trị học
VII. Tư bản và giá trị thặng dư
"Ở ông Mác, trước hết, tư bản không nói lên cái khái niệm kinh tế mà mọi
người đều thừa nhận, theo đó thì tư bản là một tư liệu sản xuất đã được sản
xuất ra; trái lại, ông ta mưu toan tạo ra một ý niệm đặc biệt hơn, có tính
chất lịch sử - biện chứng, ý niệm này ở ông ta chuyển thành một trò chơi
với những sự biến đổi của các khái niệm và các hiện tượng lịch sử. Tư bản
phải sinh ra từ tiền; nó hình thành một giai đoạn lịch sử bắt đầu từ thế kỷ
XVI, cụ thể là từ những buổi đầu của thị trường thế giới, được giả định là ở
vào thời đó. Rõ ràng là với việc lý giải như thế đối với khái niệm tư bản thì
tính chất sắc bén của sự phân tích kinh tế quốc dân không còn nữa. Trong
những quan niệm kỳ dị đó, những quan niệm tỏ ra có tính chất nửa lịch sử
và nửa lo-gich, nhưng thật ra chỉ là những sản phẩm lai căng của câu
chuyện hoang đường về lịch sử và về lô-gich, thì năng lực phân biệt của lý
trí, cũng như mọi việc sử dụng khái niệm một cách trung thực, đều bị tiêu
vong"...
và cứ tiếp tục ba hoa như thế suốt một trang...
"Sự nhận định của Mác đối với khái niệm tư bản chỉ tạo ra một sự rối rắm
trong khoa học chặt chẽ về kinh tế quốc dân... những điều nông nổi mà
người ta coi là những chân lý lo-gich sâu sắc... tính chất chênh vênh của
các luận cứ" v.v...
Như vậy là, theo Mác, tư bản phải nẩy sinh từ tiền vào đầu thế kỷ XVI.
Điều này cũng giống như một người nào đó nói rằng tiền kim loại đã sinh
ra từ gia súc cách đây hơn ba ngàn năm, bởi vì trước kia ngoài những vật
khác làm chức năng tiền thì còn có gia súc nữa. Chỉ có ông Đuy-rinh mới
có thể phát biểu một cách thô thiển và lệch lạc như thế. Ở Mác, khi phân
tích những hình thái kinh tế trong đó quá trình lưu thông hàng hoá vận
động, thì tiền là hình thái cuối cùng. "Sản vật cuối cùng ấy của lưu thông