thức sản xuất vốn có của giai cấp tư sản - mà từ thời Mác về sau người ta
gọi là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa - không tương dung được với
những đặc quyền địa phương và đặc quyền đẳng cấp, cũng như với những
sợi giây ràng buộc cá nhân đối với nhau của chế độ phong kiến; giai cấp tư
sản đã đập tan chế độ phong kiến và trên cảnh điêu tàn của chế độ đó, dựng
lên chế độ xã hội tư sản, tức là vương quốc của tự do cạnh tranh, của tự do
đi lại, của quyền bình đẳng giữa những người có hàng hoá, nói tóm lại của
tất cả những cái mỹ miều của giai cấp tư sản. Phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa giờ đây đã có thể phát triển một cách tự do. Từ khi hơi nước và
những máy công cụ mới biến công trường thủ công cũ thành đại công
nghiệp thì những lực lượng sản xuất được tạo ra dưới sự điều khiển của giai
cấp tư sản đã phát triển nhanh chưa từng thấy và với một quy mô chưa từng
có. Nhưng giống như công trường thủ công trước đây và ngành thủ công
phát triển hơn nữa do ảnh hưởng của nó đã xung đột với những xiềng xích
phong kiến của phường hội, đại công nghiệp trong giai đoạn phát triển đầy
đủ hơn của nó cũng xung đột với những giới hạn chật hẹp trong đó phương
thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đang giam hãm nó. Các lực lượng sản xuất
mới đã vượt quá hình thức tư sản của việc sử dụng chúng; và sự xung đột
ấy giữa các lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất không phải là một
sự xung đột sinh ra từ đầu óc người ta như sự xung đột giữa tội tổ tông của
con người và sự công bằng của chúa, mà là có thật, khách quan, ở bên
ngoài chúng ta, độc lập đối với ý muốn hay hành động của chính ngay
những người đã gây ra nó. Chủ nghĩa xã hội hiện đại chẳng qua chỉ là sự
phản ánh của sự xung đột có thật ấy vào trong tư tưởng, là sự phản ánh trên
ý niệm của sự xung đột ấy, trước hết vào đầu óc của giai cấp trực tiếp chịu
đau khổ vì sự xung đột ấy, tức là giai cấp công nhân.
Vậy thì sự xung đột ấy là ở chỗ nào?
Trước nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, tức là trong thời trung cổ, khắp nơi
đều có nền sản xuất nhỏ, dựa trên cơ sở quyền tư hữu của những người lao
động đối với những tư liệu sản xuất của họ: nông nghiệp của những tiểu
nông, tự do hay nông nô, thủ công nghiệp ở thành thị. Những tư liệu lao
động - đất đai, nông cụ, dụng cụ thủ công - là những tư liệu lao động của cá