CHỐNG DUHRING - Trang 39

Như vậy là ông Đuy-rinh nói đến những nguyên lý rút ra từ tư duy, chứ
không phải từ thế giới bên ngoài, đến những nguyên lý hình thức phải được
ứng dụng vào giới tự nhiên và loài người, do đó, giới tự nhiên và loài người
phải phù hợp với chúng. Nhưng tư duy lấy những nguyên lý ấy từ đâu ra?
Từ bản thân nó ư? Không phải, bởi vì chính ông Đuy-rinh nói: lĩnh vực của
tư duy thuần tuý tự giới hạn trong những đồ thức lôgích và ở những hình
thức toán học{42} (điều này thêm nữa cũng sai lầm, như chúng ta sẽ thấy).
Những đồ thức lôgích chỉ có thể thuộc về những hình thức tư duy; nhưng ở
đây chỉ nói đến những hình thức của tồn tại, của thế giới bên ngoài. Nhưng
như thế là toàn bộ quan hệ hoá ra bị đảo ngược: các nguyên lý không phải
là điểm xuất phát của sự nghiên cứu mà là kết quả cuối cùng của nó; những
nguyên lý ấy không phải được ứng dụng vào giới tự nhiên và lịch sử loài
người; không phải là giới tự nhiên và loài người phải phù hợp với các
nguyên lý, mà trái lại các nguyên lý chỉ đúng trong chừng mực chúng phù
hợp với giới tự nhiên và lịch sử. Đó là quan điểm duy vật duy nhất đối với
vấn đề, còn quan điểm của ông Đuy-rinh chống lại quan điểm ấy là quan
điểm duy tâm, là quan điểm hoàn toàn đặt lộn ngược sự vật và cấu tạo thế
giới hiện thực từ tư duy, từ những đồ thức, từ những phương án hay những
phạm trù tồn tại vĩnh cửu ở đâu đó trước khi có thế giới, hoàn toàn theo
kiểu của... một Hegel nào đó.
Thật vậy, chúng ta hãy đối chiếu "Bách khoa toàn thư" của Hegel và tất cả
những điều tưởng tượng mê sảng của nó với những chân lý cuối cùng cao
nhất của ông Đuy-rinh. Trước hết chúng ta thấy ở ông Đuy-rinh cái đồ thức
luận chung về vũ trụ, cái mà ở Hegel gọi là lôgích. Sau đó, chúng ta lại
thấy cả hai đều ứng dụng những đồ thức - hay phạm trụ lôgích ấy - vào giới
tự nhiên: đó là triết học về tự nhiên, và sau cung ứng dụng vào loài người:
đó là cái mà Hegel gọi là triết học của tinh thần. Như vậy là cái "trật tự
lôgích bên trong" của hệ thống Đuy-rinh dẫn chúng ta "một cách hoàn toàn
thoải mái" trở về với "Bách khoa toàn thư" của Hegel, nơi mà trật tự đó đã
được rút ra một cách trung thực khiến cho giáo sư Michelet ở Béc-lin,
chàng Do-thái lang thang của học phái Hegel, phải cảm động đến ứa nước
mắt.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.