(1)
John Bunany (1628 – 1688), một nhà văn Anh theo thuyết thần bí, tác
giả cuốn “Chuyến đi của người hành hương” (The Pilgrim’s Progress), là
một tác phẩm phúng dụ nổi tiếng ở nước Anh, mô tả cuộc đấu tranh của
người tín đồ Cơ đốc chống tội lỗi.
Vào một lúc như vậy, gã tự nhủ:
- Con người này, mà người ta cho là trong sáng, con người có vẻ như
hoàn toàn sống với giá trị tinh thần, lại kế thừa từ bố hay từ mẹ một bản
tính thú vật mạnh mẽ. Ta hãy đào sâu thêm vào mạch này.
Thế rồi sau một thời gian dài sục tìm vào cõi nội tâm mờ mịt của chàng
mục sư, lật đảo nhiều chất quý dưới những dạng thể hiện khác nhau : những
khát vọng cao cả đối với hạnh phúc của giống nòi, tình yêu nồng nhiệt đối
với các linh hồn đồng loại, những tình cảm trong sáng, lòng mộ đạo tự
nhiên, được củng cố nhờ quá trình tư duy và nghiên cứu, và được sáng thêm
nhờ sự soi rạng – đối với kẻ lục tìm, tất cả những chất vàng vô giá này có lẽ
cũng không hơn gì những rác rưởi – gã đành phải quay đi, thất vọng, và bắt
đầu dò theo một mạch khác. Gã dò dẫm đi theo một cách lén lút, đặt từng
bước thận trọng, cẩn thận dè chừng, như một tên trộm lẻn vào một căn
buồng có một người đang nằm dở ngủ dở thức – hoặc có thể là hoàn toàn
đang thức – nhằm mục đích lấy cắp chính cái của báu mà người đó giữ gìn
như con ngươi của mắt mình. Mặc dù hắn đã chủ tâm dè chừng cẩn thận
đến như vậy, nhưng sàn gỗ đôi lúc vẫn phát ra tiếng cọt kẹt ; quần áo của
hắn vẫn có lúc khẽ sột soạt ; cái bóng của hắn, ở một khoảng cách sát gần
nguy hiểm như thế, có thể sẽ ngả xuống trùm qua người nạn nhân của hắn.
Nói một cách khác, mục sư Dimmesdale, người mà sự nhạy cảm của hệ
thần kinh thường có hiệu lực như một khả năng trực giác của tinh thần, sẽ
lờ mờ nhận biết được một cái gì đó thù địch đã lẻn đến tiếp cận mình muốn
phương hại đến sự yên tĩnh của mình. Nhưng lão Roger Chillingworth cũng
có một khả năng cảm thụ gần như là trực giác ; khi chàng mục sư giật nảy
mình đưa mắt nhìn gã, thì kia, người thầy thuốc vẫn lặng lẽ ngồi đó, người