Phòng Thuế Quan
Đề mở đầu cuốn Chữ A màu đỏ
Thật cũng hơi kỳ - tôi vốn không thích nói quá nhiều bản thân và việc
riêng của mình với những người thân trong gia đình và với bạn bè gần gũi -
ấy thế mà lần này đã là lần thứ hai trong đời, tôi lại bốc lên trình bày tự
truyện trước công chúng độc giả.
Lần đầu cách đây khoảng ba bốn năm gì đấy, tôi đã ưu đãi bạn đọc một
cách vô cớ - chả có chút lý do nào mà độc giả khoan dung hay tác giả
“không mời mà nói” này có thể viện ra được để biện hộ - món quà ưu đãi
lần ấy là một mẫu chuyện mô tả cuộc sống của tôi trong không khí tĩnh
mịch sâu lắng tại một ngôi nhà mục sư cổ. Còn lần này thì vì tôi đã vinh
hạnh – quá mức xứng đáng với mình – được một vài bạn đọc lắng nghe
chuyện tôi trong dịp trước, nên tôi lại mạn phép níu áo độc giả để xin kể
câu chuyện về ba năm tôi sống ở một phòng thuế quan. Quả là cái gương
của anh chàng “P.P.” trứ danh. “tu sĩ của sứ đạo này” chưa bao giờ được noi
theo một cách trung thực hơn thế. Tuy nhiên, tôi thấy thực sự dường như là
: khi tác giả tung những trang tâm hồn của mình bay đi theo cánh gió, thì
không phải chàng ta muốn nói với số đông là những kẻ sẽ quẳng cuốn sách
của chàng sang một bên hoặc không bao giờ cầm lấy nó, mà là muốn trò
chuyện cùng số ít, là những kẻ sẽ hiểu chàng hơn phần lớn những bạn học
hoặc bạn đời của chàng. Một số tác giả lại còn đi xa hơn thế nữa, họ tự cho
phép mình rủ rỉ những điều tâm sự sâu kín đến mức chỉ đáng thổ lộ duy
nhất với một trái tim và một khối óc nào đó hoàn toàn thông cảm với mình ;
như thế là cuốn sách in xong, được phóng thả khắp cõi đời rộng lớn, chắc
chắn sẽ tìm ra một mảnh bị chia cắt của bản thân nhà văn lạc loài giữa
không gian ngoại cảnh và đưa anh ta ghép lại với nó để nối trọn mạch vòng
đời của anh. Tuy nhiên, nói ra tất cả mọi điều chắc là không phải phép,
ngay cả khi chúng ta không ám chỉ riêng ai. Nhưng vì lẽ tư duy dễ bị đông