chuyến đi qua vùng rừng núi hoang vu đã quá gian khổ đối với ngài? Liệu
ngài có cần sự giúp đỡ của tôi để ngài được khỏe khoắn và phấn chấn mà
giảng bài Thuyết giáo ngày Bầu cử sắp tới không?
- Không, không cần đâu, thưa ngài. – Đức Cha Dimmesdale trả lời –
Cuộc đi bộ đường dài, niềm vui được gặp vị sứ đồ thánh thiện ớ đấy, cùng
với không khí khoáng đãng mà tôi được hít thở, bấy nhiêu điều đã làm cho
tôi phấn chấn sảng khoải ra sau một thời gian quá dài giam hãm mình trong
buồng làm việc. Tôi nghĩ là tôi sẽ không cần đến những thuốc thang của
ngài nữa, thưa ngài bác sĩ thân mến, dù rằng đó là những thuốc tốt, do một
bàn tay bạn bè thân thiết cho uống.
Suốt từ nãy đến giờ, Roger Chillingworth nhìn anh với cái nhìn nghiêm
cách và chăm chú của một người thầy thuốc xem xét bệnh nhân của mình.
Nhưng, dù vẻ bề ngoài của lão là vậy, chàng mục sư vẫn hầu như khẳng
định được rằng lão đã biết, hoặc ít nhất lão cũng đã chắc mẩm là Hester
Prynne đã nói chuyện với anh về lão. Vậy thì hẳn lão biết rằng trước mắt
anh lão không còn là người bạn để trông cậy nữa, mà là kẻ thù quyết liệt
nhất. Đã biết được như vậy, thì lẽ tự nhiên phải có một phần nào đó trong
sự nhận biết ấy biểu lộ ra ngoài. Ấy thế nhưng trong sự đời có những điều
thật đặc biệt, là thời gian thường trôi qua khá lâu trước khi các sự việc được
thể hiện cụ thể trong lời nói, và khi mà hai con người cùng muốn tránh một
vấn đề nào đó, thì có một ranh giới an toàn mà họ có thể tiến đến ngay sát
mép nhưng rồi lại rút ra chứ không hề chạm tới. Và bởi vậy, chàng mục sư
không cảm thấy e sợ rằng Roger Chillingworth sẽ nói toạc ra điều gì đủ
động đến cái thế đối đầu giữa hai người trong thực tế. Tuy nhiên lão thầy
lang, theo cung cách nham hiểm của lão, đã bò đến sát điều thầm kín ấy
một cách thật dễ sợ.
- Phải chăng tốt hơn là – Lão nói – ngài nên dùng cái tài mọn của tôi tối
hôm nay? Quả thực, thưa ngài, chúng tôi phải cố gắng làm sao cho ngài
được khỏe mạnh để giảng bài thuyết giáo trong dịp bầu cử ấy. Dân chúng