những người thợ đã từng có chân trong các hội Mùa, và đã dính dáng vào
các vụ nổi loạn.
Áo thợ và áo rơđanhgốt cùng ngồi một bàn, và mọi người chạm cốc.
Ngày chủ nhật, chúng tôi tới những quán ca nhạc, quán Gảy đàn thất
huyền hoặc quán Đàn tỳ bà, tôi không còn nhớ rõ nữa.
Tôi hơi thấy chán khi người ta hát những bài khôi hài; nhưng thình lình
có người nói: “Fextô đấy, Gilơ đấy.” Và tôi như nghe thấy ở xa xa có tiếng
trống cộng hòa trầm đục, rồi tiếng trống rõ lên, Gilơ cất tiếng hát, và bản
nhạc đó như nhằm vào trái tim tôi.
Tuy nhiên tôi không biết có phải là so với những bài hát nói về những
người đi chiến đấu và hy sinh, tôi thích những bài hát của người đập lúa
hoặc người thợ rèn hơn, do một người thợ máy, nom hiền lành như cừu non
nhưng khỏe như bò mộng, hát lên oang oang. Người đó nói về cái chất thơ
của xưởng thợ, - tiếng ầm ầm và lửa hồng, - người đó nói về người nội trợ
bảo chồng: “Anh hãy gắng lên, - hãy cố làm việc, - ấy là vì con chúng ta. “
Tới một lúc, người ca sĩ hạ thấp giọng xuống. “Đóng cửa sổ lại “, có ai
nói. Và mọi người chào ở điệp khúc:
Lá cờ mà nhân dân đã phất ở Xanh-Mery!
Có tinh thần nổi loạn trong những vần thơ. - Ít ra thì cũng là tôi gán vào,
chính tôi, kẻ hôm qua đã mở cuốn Sử mười năm, tôi không còn ở Thời kỳ
năm 93 nữa. Tôi đang ở thời kỳ Lyông, với lá cờ đen. Những người thợ dệt
nổi giận, và họ thét lên: Bánh mỳ hay là đạn!
“Jắc, đến thứ hai mẹ con mình sẽ về Năngtơ.”
Một nhát dao đâm cũng không làm tôi đau đớn hơn.
Một tháng trước đây, tôi sẽ vui lòng ra đi, và có thể khi ra khỏi cửa ô tôi
còn khạc nhổ lên Pari nữa là khác, vì tôi đã bị ngạt thở trong thành phố đó
không biết chừng nào, tôi đã thất vọng không biết chừng nào khi trông thấy
bạn bè và thầy giáo.
Nhưng từ một tháng nay, đã có nước mắt của mẹ tôi, và sau ngày xảy ra
chuyện đó, là tự do hoàn toàn; thỉnh thoảng tôi lại được bốn hào, để chén
một chút thịt lợn với các bạn thân, và ngày chủ nhật, ăn thịt bò hầm ở quán
Ramponnô.